Nghi can Trần Đức Trọng, tài xế Uber táo tợn cướp tài sản hành khách ngay trung tâm quận 1 |
Đúng như lo ngại của nhiều cơ quan quản lý và người tiêu dùng, tình huống khách hàng gặp rủi ro khi sử dụng dịch vụ taxi Uber đã xảy ra, cụ thể là một thai phụ bị tài xế uy hiếp, cướp tài sản tại TP.HCM.
Và cũng không ngoài lo ngại trước đó, cách xử lý vụ việc của Uber hết sức chậm trễ, thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm, khiến cho khách hàng bất bình và không khỏi hoang mang, lo lắng khi sử dụng dịch vụ này. Trách nhiệm không rõ ràng cũng chính là một trong những lý do khiến Uber bị cấm tại nhiều nước trên thế giới như: Đức, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc… dù dịch vụ này được ghi nhận có nhiều tiện ích.
Còn tại Việt Nam, hiện Uber vẫn đang hoạt động kinh doanh vận tải ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, những gì nhà cung cấp dịch vụ này thể hiện cho thấy các chính sách đang phát triển ồ ạt để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận song lại né tránh những trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan, trong đó mấu chốt nhất là nghĩa vụ nộp thuế và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Một trong những lý do để Uber né tránh trách nhiệm là liên tục khẳng định mình chỉ là một doanh nghiệp về công nghệ đơn thuần, giúp kết nối giữa những người cung cấp dịch vụ vận chuyển với khách hàng. Song trên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng Uber đều chỉ biết thương hiệu này là nhà cung cấp dịch vụ, khác hoàn toàn với các đối tác kết nối như những trang web đặt phòng khách sạn, nhà hàng, đặt vé máy bay… Cụ thể, khi tìm đến các đơn vị kết nối nói trên, khách hàng được cung cấp thông tin đầy đủ về các nhà cung cấp dịch vụ này bao gồm chất lượng, giá cả; Đồng thời, có nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Còn khi kết nối với Uber, khách hàng không có thông tin gì về đối tác (là các tài xế - ngoài một tấm ảnh và số điện thoại). Và tất cả các tài xế này đều chỉ hợp tác với duy nhất cho Uber chứ không phải nhiều nhà cung cấp dịch vụ cùng lúc. Điều đó có thể cho thấy, các doanh nghiệp, cá nhân đang hợp tác với Uber dưới hình thức “làm thuê”. Và tất cả những gì Uber đang đầu tư, phát triển cho thấy dáng dấp của một doanh nghiệp vận tải khổng lồ trên quy mô toàn cầu chứ không đơn thuần cung cấp dịch vụ kết nối. Do vậy, Uber phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, cũng như phải chịu trách nhiệm với khách hàng, với cơ quan quản lý khi có vụ việc xảy ra. Và để trách nhiệm đó được giám sát, thực thi tới nơi tới chốn, ngoài cam kết với Chính phủ, người tiêu dùng, Uber cũng phải ràng buộc trách nhiệm với các doanh nghiệp, cá nhân hợp tác với mình bằng văn bản pháp lý một cách đầy đủ, chặt chẽ.
Để Uber thực thi đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan quản lý như kiểm tra, phạt nặng hoặc cấm hoạt động tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng có trách nhiệm phản ánh thông tin nhanh chóng, đồng thời thực thi quyền sử dụng hoặc từ chối dịch vụ của chính mình. Nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh giá cả mà quên đòi hỏi những yêu cầu khác như: Chất lượng, an toàn, hậu mãi... khách hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công mà không được bảo vệ kịp thời như thai phụ vừa qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận