Sau 16 năm đứng mũi chịu sào nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đây là lúc để người phụ nữ được ví là “bà đầm thép” nước Đức có thời gian làm những điều từng là quá xa xỉ như chợp mắt, đọc sách và lắng lại suy nghĩ về bản thân.
Bà Angela Merkel. Ảnh: AP
Cần khoảng lặng sau 16 năm quên bản thân
Với người bình thường, nếu đã có khoảng thời gian dài giữ cương vị quan trọng, thì khi về hưu, chắc chắn nhiều người không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng.
Tuy nhiên, với Angela Merkel, người đã có 16 năm làm Thủ tướng Đức, từng là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, có lẽ sự hụt hẫng đó sẽ không quá dài.
Bởi từ lâu, bà đã chuẩn bị tâm lý và dần chấp nhận thực tế là khi bà rời cương vị, lúc này mọi việc sẽ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của người khác.
Trong một chuyến thăm Thủ đô Washington gần đây, nữ Thủ tướng lâu đời nhất nước Đức từng chia sẻ bà rất thích và mong chờ cuộc sống lúc về hưu.
Điều đầu tiên bà tưởng tượng đến là đọc một cuốn sách, khép đôi mắt và ngủ một giấc, gác lại những gánh nặng chính trị.
Đã đến lúc một người nổi tiếng có sức chịu đựng dẻo dai bất chấp những cuộc họp đêm triền miên và rất biết cách “gom góp giấc ngủ” như “lạc đà trữ nước”, được thả mình vào giấc ngủ sâu và không phải gồng lên nghĩ ngợi đối sách, chiến lược.
Ngoài việc ngủ, dường như nữ Thủ tướng chưa nghĩ được thêm điều gì. Bởi có lần khi chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Chimamanda Ngozi Adichie, bà Merkel cho biết: “Thời gian qua, tôi chưa bao giờ có một ngày làm việc bình thường… Cứ như vậy, từ bao giờ, tôi không còn tự hỏi xem - ngoài chính trị, mình thích điều gì nhất”.
Bà Angela Merkel rời một cuộc họp ở Quốc hội. Ảnh: Reuters
“Tôi đã ở tuổi 67, thời gian còn lại không nhiều. Vậy nên tôi muốn suy nghĩ thật cẩn thận về việc mình sẽ làm trong giai đoạn sắp tới… Liệu tôi muốn viết, muốn nói chuyện, leo núi, muốn ở nhà hay nhìn ngắm thế giới? Tôi chưa biết, tôi quyết định không vội bắt tay vào làm gì mà lắng mình lại để quan sát”, nữ Thủ tướng chia sẻ.
Nhìn lại những chia sẻ của bà Merkel trong quá khứ, tờ AFP phỏng đoán rằng, có thể, nữ Thủ tướng sẽ muốn dành thêm thời gian cùng chồng là Joachim Sauer tại vùng quê Hohenwalde, gần thị trấn Templin ở Đông Đức cũ, nơi bà từng lớn lên. Tại đây bà có một ngôi nhà nghỉ dưỡng để lui tới mỗi khi mệt mỏi.
Bà cũng nổi tiếng là người có lối sống giản dị, sống ở căn hộ 4 tầng tại Berlin và thường tự tay mua sắm rau củ, thức ăn.
Năm 2014, bà còn đưa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới siêu thị yêu thích tại Thủ đô Berlin sau khi 2 người kết thúc cuộc họp song phương.
Dù được hưởng mức lương hưu hàng tháng khoảng 15.000 Euro (16.900 USD) nhưng có lẽ nữ Thủ tướng chỉ đơn giản dành buổi tối yên tĩnh, nhấp chút rượu vang trắng, thưởng thức món súp khoai tây yêu thích - một sự đơn giản nhưng đã hơn 16 năm bà hiếm có thời gian để thực hiện.
Di sản của Thủ tướng Đức
Chân dung bà Angela Merkel. Ký họa: Patrick Leger/New York Times
Nhìn lại 4 năm làm Thủ tướng, bà Merkel đã phải đối mặt và chèo lái nước Đức qua hàng loạt cuộc khủng hoảng như biến cố tài chính toàn cầu năm 2008; khủng hoảng nợ công của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu.
Và thời điểm buộc “bà đầm thép” bộc lộ rõ nhất sự cứng rắn trong quyết tâm chính trị chính là khủng hoảng nhập cư năm 2015, khi bà quyết định mở cửa cho hơn 1 triệu người tị nạn, bất chấp làn sóng phản đối dữ dội từ trong và ngoài nước.
Trên trường quốc tế, bà Merkel luôn nỗ lực giữ sự ổn định cho nước Đức nói riêng và thế giới nói chung mỗi khi sóng gió nổi lên. Bà luôn đi theo hướng tìm kiếm sự thỏa hiệp và theo đuổi cách tiếp cận đa phương để giải quyết những vấn đề của thế giới.
Là đồng minh thân cận của Mỹ, chính quyền Đức luôn chịu sức ép từ Mỹ để có thái độ cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc.
Song bà Merkel luôn khéo léo tách biệt vấn đề nhân quyền, an ninh của Trung Quốc và Nga với việc hợp tác về kinh tế và thương mại, tránh tạo ra những mối quan hệ đối đầu thù địch tương tự như thời Chiến tranh lạnh mà bà từng nếm trải và thấu hiểu.
“Bên cạnh rất nhiều thành tựu về kinh tế, giảm thất nghiệp, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo… di sản quan trọng nhất của bà Merkel đơn giản là mang lại sự ổn định trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu”, nhà báo Ralph Bollmann làm việc tại Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung nhận định.
Tại buổi lễ chia tay do quân đội Đức tổ chức theo nghi thức cao nhất dành cho lãnh đạo dân sự, Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ: “Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới ông Olaf Scholz và Chính phủ sắp tới, các bạn sẽ là những người tìm lời giải cho những thách thức sắp tới. Chúng ta sẽ định hình được tương lai cho mình nếu giữ vững tinh thần lạc quan. Đó cũng là mong muốn của tôi với cả nước Đức. Từ tận đáy lòng, xin cảm ơn tất cả các bạn!”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận