Trong văn bản số 9608/BCT - ĐL vừa được gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương đã đề nghị xem xét tạm dừng việc đề xuất, thoả thuận các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT cho tới khi có hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền.
Theo lý giải của Bộ Công thương, sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg năm 2017 về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời, đã có 135 dự án với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Cụ thể, tính hết tháng 6/2019 đã có gần 4.500 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là các tỉnh thành phố phía Nam.
Tuy nhiên, điểm vênh giữa việc thực hiện xây dựng đường dây truyền tải và tiến độ điện mặt trời gây hiện tượng tắc nghẽn đường truyền những khu vực tập trung dự án như Ninh Thuận, Bình Thuận...
Để tháo gỡ, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 402 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam áp dụng từ ngày 1/7/2019, trong đó thống nhất biểu giá khuyến khích cố định (FIT) chỉ áp dụng với một số trường hợp.
Theo đó, thông báo chỉ rõ ngoại trừ những dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công đưa vào vận hành trong năm 2020, các dự án còn lại, các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT, mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời.
Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ ngành hoàn thiện Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
"FIT (feed-in-tariff) là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận