Thời gian trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, hiện tượng ngao nuôi của hàng trăm hộ dân ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bị chết |
UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho biết, sau khi có chỉ đạo từ các ngành chức năng tỉnh rà soát, kiểm tra các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn trong thời gian xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, huyện phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong việc bảo vệ môi trường.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, vào cuối tháng 12/2016 trên địa bàn xã Đa Lộc, Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) và Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt khiến hàng trăm hộ nuôi ngao “khóc ròng” trước dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.
Trong khoảng thời gian này, vào ngày 31/12/2016, nhiều hộ dân nuôi ngao trên vùng biển xã Hải Lộc đã bắt quả tang một thuyền máy nhỏ do 2 vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ đều là người ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang chở chất thải độc hại xả trộm ra biển ở khu vực bãi nuôi ngao.
Tại thời điểm bắt quả tang, trên thuyền đang chở 14 thùng phuy nhựa chứa chất tẩy rửa chế biến hải sản. Lúc này 2 đối tượng mới đổ được 11 thùng, còn 3 thùng chưa kịp đổ. Bước đầu, 2 đối tượng khai nhận được chủ cơ sở chế biến hải sản Hoàng Văn Thắng (có trụ sở ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) thuê đi đổ trộm chất thải tẩy rửa chế biến mực tươi ra đầu cồn bãi ngang xã Hải Lộc. Sự việc này sau đó được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Trong đó, có việc rà soát lại các cơ sở kinh doanh chế biến thủy sản ven biển để đánh giá tác động môi trường song song với việc xác định rõ nguyên nhân ngao chết hàng loạt.
Chiếc thuyền chở 14 phuy nhựa đựng chất tẩy rửa chế biến thủy sản đổ trộm xuống biển bị người dân phát hiện bắt quả tang ngày 31/12/2016. |
Qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 31 cơ sở chế biến kinh doanh thủy hải sản tại xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Văn Thắng chưa hoàn chỉnh hệ thống Biogas theo Đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được UBND huyện phê duyệt.
Tại thời điểm kiểm tra có một lượng nước thải nhỏ của Doanh nghiệp không qua xử lý mà thải trực tiếp qua hố ga và chảy vào hệ thống mương thoát nước chung của xã Ngư Lộc sau đó chảy ra biển. Doanh nhiệp Hoàng Văn Thắng có dấu hiệu xả trộm chất thải trên biển, chưa có giấy phép của UBND tỉnh cho phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định và chưa kê khai nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp này chưa làm thủ tục hồ sơ về công tác PCCC. Hiện tại cơ quan Công an huyện Hậu Lộc đang điều tra, làm rõ sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo kết quả kiểm tra, 30/30 chủ cơ sở và hộ kinh doanh sơ chế biến thủy sản nhỏ lẻ truyền thống chưa làm cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản mà chỉ ký cam kết với UBND xã Ngư Lộc. Có 4/30 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, truyền thống có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; 16/30 hộ có giấy phép kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh còn lại không có một loại giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của chủ hộ. Bên cạnh đó, quy trình sơ chế của nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa đảm bảo, chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện về vệ sinh ATTP.
Trước vấn đề này, UBND huyện Hậu Lộc giao cho các phòng, ban chuyên môn tham mưu để UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Trước mắt, yêu cầu doanh nghiệp tư nhân Hoàng Văn Thắng tạm dừng hoạt động sơ chế thủy sản, nghiêm cấm việc xả nước thải ra môi trường khi chưa xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường theo đề án đơn giản được phê duyệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận