Hiện Đơn nguyên Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tạm dừng hoạt động để tổng kiểm soát nhiễm khuẩn, khử khuẩn |
Ngày 24/11, bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, sau sự cố làm 4 trẻ sơ sinh tử vong, hiện Đơn nguyên Sơ sinh, Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã tạm dừng hoạt động để tiến hành tổng kiểm soát nhiễm khuẩn, khử khuẩn toàn bộ khu vực. Tất cả các bệnh nhi cũ và mới tại Đơn nguyên này đều được chuyển lên các cơ sở y tế tuyến trên.
Cụ thể, hiện 20 bé từ Đơn nguyên Sơ sinh, Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh được chuyển về các bệnh viện lớn ở Hà Nội, trong đó Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp nhận 9 cháu, Bạch Mai 3, còn lại điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngày 23/11, kết quả cấy vi khuẩn trên tay y bác sĩ và vị trí các bệnh nhi nằm tại khu vực chăm sóc trẻ sinh non Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã phát hiện có sự hiện diện vi khuẩn đang kháng thuốc nguy hiểm. Kết quả cấy vi khuẩn ở các cháu bé bệnh nặng nhất chuyển về viện Nhi Trung ương và Bạch Mai cũng cho thấy có vi khuẩn đa kháng thuốc. Vi khuẩn này là thủ phạm gây sốc nhiễm khuẩn gây tử vong 4 trẻ sinh non hôm 20/11. Các bé có vi khuẩn đa kháng thuốc được chuyển lên tuyến trên đều được điều trị cách ly phòng riêng ở các bệnh viện Hà Nội để tránh lây lan vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm.
Cũng trong ngày 23/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ đạo chuyển tất cả các trẻ sơ sinh đang được điều trị tại đơn vị hồi sức sơ sinh ở Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên các bệnh viện: Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương và Bạch Mai để chăm sóc và điều trị. Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện này huy động tối đa nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao nhất, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc để trẻ sơ sinh được chăm sóc và điều trị trong điều kiện tốt.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, trong thời gian từ rạng sáng đến 9h30 ngày 20/11, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra 4 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong, gồm các trẻ Vi Thị Phượng (huyện Vân Hồ, Sơn La); Vũ Hải Đăng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); Vũ Đình Cò (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Hà Vi (Tp. Bắc Ninh, Bắc Ninh). 4 trẻ tử vong tại Bệnh viện đều là trẻ sinh non từ 32 đến 34 tuần, có cân nặng khi sinh từ 1,6 kg đến 2,3 kg. Các bệnh nhi này được chẩn đoán suy hô hấp, đẻ non và được xử lý cho nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch và ăn sữa qua ống thông dạ dày, kháng sinh.
Tối 21/11, Hội đồng khoa học đã công bố nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh là sốc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện. Kíp trực liên quan 4 trẻ tử vong ngày 20/11 bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
TS Lê Hoài Chương- Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết hiện BV đã tiếp nhận điều trị, chăm sóc cho 9 trẻ sinh non chuyển từ BV Sản Nhi Bắc Ninh lên, trong đó 7 cháu chuyển đến từ chiều ngày 21-11, chiều ngày 23-11 có thêm 2 cháu nữa được chuyển đến.
TS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (BV Phụ sản Trung ương) cho hay, 9 bé chuyển lên đây đều sinh non, cân nặng từ 1-2,8 kg. Hiện, sức khỏe các bé đều tiến triển tốt, không phải thở máy, có 2-3 cháu dự kiến sẽ ra viện trong tuần tới. Đặc biệt có 3 cháu cân nặng 1-1,4 kg phải nằm nuôi dưỡng trong lồng ấp từ một đến hai tháng. Trong 9 trẻ chuyển đến Trung tâm có một trường hợp trẻ sinh đôi.
Trong số các bé có 2 bé sinh đôi, bé trai nặng 1,4 kg, bé gái nặng 1kg, đã được chuyển lên Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh của BV Phụ sản Trung ương từ chiều 21-11 sau khi sinh một ngày. Tại đây, 2 bé sinh đôi đều được nằm lồng ấp và điều trị sinh non. Bố các cháu, anh Nguyễn Văn Thịnh ở Hiệp Hòa Bắc Giang, cho biết, gia đình rất mừng khi thấy các bác sĩ cho biết các con tiến triển tốt lên từng ngày. Vì thế gia đình chúng tôi rất yên tâm.
TS Trác cũng cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc nuôi dưỡng 3 bé nhẹ cân trên là vấn đề dinh dưỡng. Các cháu sinh non nên các tổ chức cơ thể đều non yếu, dễ bị suy hô hấp, ruột dễ hoại tử, khả năng miễn dịch kém, dễ viêm não và xuất huyết… Do đó, các y bác sĩ phải theo dõi sát sao vấn đề dinh dưỡng theo hướng nuôi ăn tăng dần, kiểm tra hệ tiêu hóa hằng ngày, đặc biệt là trong quá trình chăm sóc phải tuyệt đối đảm bảo vô khuẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận