Trẻ lở loét khắp người vì mẹ tắm lá thuốc chữa thủy đậu |
Mới đây, một bệnh nhi 4 tháng tuổi, trú tại Phúc Thọ (Hà Nội) đã phải nhập BV Nhi TƯ trong tình trạng cơ thể phồng rộp, lở loét. Theo lời người nhà, bệnh nhi có dấu hiệu của bệnh thủy đậu, tuy nhiên, vì muốn con nhanh khỏi nên mẹ bé đã tắm cho con bằng lá thuốc nam. Sau hai ngày được tắm bằng lá thuốc nam, các nốt phát ban trên cơ thể bắt đầu phồng rộp, lở loét.
Khi nhập viện, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng, nhiễm độc da rất nặng, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám, điều trị trong phòng cách ly vô trùng, tiêm kháng sinh, vệ sinh da bằng nước muối sinh lý ấm, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn và làm lành tổn thương. Sau 5 ngày nhập viện và điều trị tích cực, các vết thương toàn thân của trẻ đã khô và bắt đầu bong vảy.
Theo khuyến cáo của BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ, mặc dù đã được tuyên truyền nhưng nhiều gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn giữ thói quen dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Chính đây là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm độc da cho trẻ. Trên thực tế, thủy đậu vốn là bệnh lành tính, nếu được thăm khám, tư vấn điều trị, chăm sóc đúng cách trẻ nhanh khỏi và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, việc nhiều gia đình tự xử trí không đúng cách, dùng các loại lá không rõ nguồn gốc tắm cho trẻ lại càng khiến các tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn.
"Cách chăm sóc da tốt nhất cho trẻ bị thủy đậu là: tắm rửa sạch sẽ cho bé, bôi sát trùng, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không đắp các loại lá thuốc nam chưa biết rõ tính chất của nó cho trẻ", BS Hải cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận