Trần Hữu Dương viết đơn tình nguyện hiến tạng |
67 ngày đi bộ xuyên Việt
Khá mệt mỏi sau hành trình đi bộ xuyên Việt kéo dài hơn 2 tháng nhưng trên gương mặt sạm đen, rắn rỏi của cậu trai trẻ tuổi 26 Trần Hữu Dương (quê huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) vẫn luôn rạng rỡ nụ cười thân thiện, dễ mến. 17 tuổi, Trần Hữu Dương quyết định dừng việc học của mình và lên đường đi “làm kinh tế mới” tận vùng đất xa xôi Lâm Đồng. Những chuyến đi, những vùng đất mới luôn có sự cuốn hút đến kỳ lạ đối với Dương và cũng từ đó, thành quả lớn nhất mà cậu gặt hái được là tích lũy được một vốn sống đáng nể.
Dương chia sẻ: “Quyết định đi xuyên Việt không chỉ thực hiện bởi sở thích của riêng mình là được khám phá, trải nghiệm mà em mong muốn lấy đam mê đó của mình để thực hiện việc kêu gọi gây quỹ ủng hộ cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn trên dải đất miền Trung”.
Tính tới 15/5/2016, cả nước có 4.290 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não và 27 người đăng ký hiến tặng khi còn sống. Ngoài ra, chỉ tính riêng tại BV Việt Đức, trung bình mỗi ngày có 2 người chết não. Mỗi năm, chỉ cần 1/4 số trường hợp chết não trong cả nước đồng ý hiến tạng, sẽ có hàng trăm người được cứu sống.BS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người |
Gia đình vốn thuần nông, ngày nhỏ Dương cùng các bạn trong xóm nghèo đã nhiều lần nhận được những món quà như tập sách, cuốn truyện hay cây bút từ các nhóm từ thiện. “Những món quà dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa với tuổi thơ nghèo khó của bọn em”, Dương chia sẻ. Rồi ấn tượng của Dương về một hành trình đưa 7 người khuyết tật vượt Fansipan của anh chị trong CLB Xuyên Việt mà ở đó Dương nhận ra một điều “khi con người ta có sự đồng cảm, chia sẻ thì ước mơ nào cũng có thể thành hiện thực”.
Hành trình xuyên Việt với mong ước thiện nguyện của Dương ban đầu vấp phải không ít sự rèm pha, chế diễu nhưng em vẫn quyết tâm thực hiện. Ngày 15/5, Dương khởi hành từ Năm Căn (Cà Mau). Ngày đi, đêm nghỉ. Những hôm trời nắng nóng, Dương nghỉ ngày và đi đêm. Chi phí ăn uống của Dương mỗi ngày khoảng 70.000 đồng, ngủ thì xin mắc võng nhờ hiên nhà dân. Sau hơn 2 tháng, ngày 12/7, Dương đã kết thúc hành trình của mình khi đặt chân đến Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Trải qua hơn 2.400 km đường đi bộ xuyên Việt, qua mỗi vùng đất, Dương lại có thêm nhiều người bạn, tình yêu thương và sự chia sẻ cứ lan tỏa bắc cầu giúp hành trình của Dương thêm ý nghĩa và không đơn độc. “Đến giờ phút này, quan trọng nhất là nhiều người đã thật sự hiểu và ủng hộ ý nghĩa hành trình xuyên Việt này của em”, Dương cho biết.
Mong hiến tạng cứu người
Trước khi đến với hành trình xuyên Việt, chàng trai trẻ Hữu Dương chưa từng có “khái niệm” về hiến tạng. Cuộc gặp mặt với anh Trần Nguyễn An Khương - người chỉ nặng 37kg đạp xe xuyên Việt để đăng ký hiến tạng tại nơi khởi đầu cho hành trình này đã khiến Dương nhanh chóng có thêm quyết định sẽ hiến tạng. Dương bảo, chính anh Khương là người giúp mình hiểu được hành động hiến tạng có ý nghĩa rất nhân văn, bởi khi mình chết đi vẫn có thể cứu sống được nhiều người bệnh. “Cuộc trò chuyện với mẹ anh Khương, giúp mình thêm hiểu về anh, dù gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống nhưng tâm luôn hướng thiện. Điều đó giúp mình hiểu thêm rằng những gì cho đi là sẽ còn mãi…”, Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, chia sẻ với gia đình về nguyện vọng được hiến tạng cứu người khi mình nằm xuống, mẹ Dương nhất quyết không đồng ý. “Em phải giải thích rằng, ngành Y chỉ lấy tạng của mình khi chết não. Mà chết não thì không thể sống được nữa. Tạng của mình có thể sẽ cứu được tới 7 người, đó là những người đang cận kề cái chết. Đồng thời, em liên hệ ngay với trường hợp người em họ bị cháy giác mạc và cho mẹ biết, nếu được ai đó hiến giác mạc thì em sẽ có được đôi mắt sáng. Giờ thì mẹ đã hiểu và đồng cảm với quyết định của em”, Dương cho biết.
Quyết là làm, ngay sau khi kết thúc hành trình xuyên Việt, sáng 13/7, Dương đã có mặt tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Được biết, trước khi ký vào lá đơn hiến tạng, Dương đã có ý định hiến tạng sống. Tuy nhiên, các bác sĩ đã tư vấn việc hiến tạng khi còn đang sống (cho đi một phần của lá gan, cho đi một quả thận) cần hiểu cặn kẽ về những tác động của việc này đối với sức khỏe của người cho tạng. “Nhưng nếu thật sự cần thiết mình cũng sẽ hiến”, Dương cho hay.
Chia sẻ về những dự định ấp ủ thực hiện trong thời gian tới khi trở về quê nhà, Dương cho hay, sẽ thuyết phục các bạn trẻ ở địa phương thành lập CLB Hiến tạng. “Mình cần phải nói để mọi người cùng hiểu về ý nghĩa nhân văn của hành động hiến tạng. Để tháo bỏ tư tưởng truyền thống về “chết toàn thây” chắc sẽ khó nhưng không phải không làm được. Trước hết sẽ từ những người trẻ, rồi từ đó bắc cầu tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Em tin mình sẽ làm được”, Dương khẳng định. Đánh giá cao hành động của Dương, BS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng: “Dương là một trong số nhiều bạn trẻ đáng trân trọng. 9X nhưng không non về suy nghĩ, rất giàu tình thương và lòng nhân ái. Hy vọng hành động đẹp của Dương sẽ góp phần tuyên truyền để người dân cùng chia sẻ với ngành Y, bởi đây là việc tử tế nên làm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận