Chỉ sau chưa đầy 1 năm triển khai ePass, Viettel đã đưa tỷ lệ lên 50%, thay đổi vị thế của giao thông Việt Nam trên bản đồ thế giới. Và đó mới chỉ là bước khởi đầu.
Năm 2015, Việt Nam thử nghiệm triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) đường bộ với sự vận hành của công ty VETC.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2019, dịch vụ này phải được triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, do các khó khăn trong thực tế, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xin lùi thời gian hoàn thành sang năm 2020.
Trong 5 năm đó, có 1 triệu thẻ thu phí tự động được dán – chiếm 25% tổng số lượng xe toàn quốc. Tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt 30%.
Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, yêu cầu đến "hạn chót" 31/12/2020, hệ thống thu phí tự động không dừng phải hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Giai đoạn 2 của dự án được giao cho Tập đoàn Viettel với sự thành lập của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC).
Bắt tay vào lĩnh vực khó nhằn và đang tắc nghẽn, Viettel mang theo tâm thế “làm vì dân sinh chứ không vì lợi nhuận” bởi lẽ theo tính toán, dự án phải mất gần 30 năm mới có thể thu hồi vốn, với tỷ lệ lãi rất mỏng.
Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT từng giải thích trên báo chí những lý do khiến cho thu phí tự động không dừng đạt kết quả không như mong đợi trong giai đoạn 1.
Đó là, số lượng người dùng quá ít do thiết bị thông minh hỗ trợ người tham gia giao thông chưa nhiều, thói quen sử dụng tiền mặt cùng với sự hạn chế của hệ thống thanh toán trực tuyến.
Những vấn đề đó lại dẫn đến việc, có thời điểm, nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ do doanh thu không đủ chi phí, liên tục lỗ.
Ngân hàng tài trợ vốn thấy thiếu tính khả thi và dừng giải ngân, khiến nhà đầu tư đã xin trả lại dự án.
Với lợi thế về tư duy chiến lược, sức mạnh công nghệ, mạng lưới phân phối từ Viettel, VDTC đã phối hợp với các nhà đầu tư BOT triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ.
Chỉ 6 tháng sau, vào ngày 29/12/2020, hệ thống thu phí tự động không dừng có tên gọi ePass đã chính thức khai trương.
Nhưng khó tin hơn là chỉ 11 tháng sau, ePass đã đạt con số 1 triệu khách hàng, nâng tỉ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động trên toàn quốc từ 25% lên gần 50%, tăng trưởng gần 100%.
Hệ thống ePass của VDTC đạt tỷ lệ nhận dạng biển số xe là 99,8%. Tỷ lệ nhận dạng thẻ đầu cuối đạt 98,48% và thời gian xử lý giao dịch giảm từ 0,6 giây xuống 0,2 giây.
Qua đó, thời gian vận chuyển của khách hàng giảm đến 60 lần, góp phần giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.
Từ góc nhìn chuyên gia, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đánh giá, Viettel có hệ thống hạ tầng viễn thông rộng khắp, các giải pháp về công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu, huy động được nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông sẵn có tại các địa phương, đáp ứng yêu cầu cao về tính an toàn bảo mật hệ thống ETC.
Đồng thời, giải pháp thanh toán điện tử ViettelPay cùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến khác đã giúp khách hàng thanh toán trực tiếp các dịch vụ thu phí một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Nhìn chung, các bất cập của hệ thống ETC trong thu phí tự động không dừng đã được khắc phục nhờ các giải pháp từ Viettel.
“Phổ cập được thu phí không dừng đem đến hiệu quả vô cùng lớn. Thứ nhất, nó hiện đại hoá công nghệ thu phí cho lĩnh vực đường bộ. Thứ hai, thúc đẩy hệ thống công nghệ về giao thông của toàn bộ Việt Nam, trên tất cả các tỉnh thành.
Cuối cùng, nó phá vỡ được thế độc quyền. Viettel cung cấp ePass cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện cạnh tranh trong thu phí tự động không dừng” - ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đánh giá, đối với người dân, đây là dịch vụ vô cùng thuận tiện, bởi họ có thể dùng tất cả loại thẻ ngân hàng để kết nối.
Các dịch vụ đều lưu thông nhau, tạo điều kiện để người dân vừa sử dụng để nộp phí đường bộ, cũng như trong các giao dịch mua bán thông thường.
Đối với doanh nghiệp, nó giúp thuận tiện trong công tác giám sát công khai. Đồng thời, thu phí không dừng giúp giảm ùn tắc giao thông, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Với xã hội, đây là nền tảng công nghệ để tiến tới giao thông thông minh, kết nối với các hệ thống phần mềm khác nhằm theo dõi toàn bộ hoạt động phương tiện trên hệ thống đường bộ, kể cả lĩnh vực an toàn giao thông hay kiểm soát trọng tải xe. Từ đó, quản lý trật tự an toàn giao thông, an ninh trên đường bộ cũng dễ dàng hơn.
Những hiệu quả được chứng minh của chiếc thẻ ePass mở ra một tương lai rộng lớn của giao thông thông minh ở Việt Nam để làm nền tảng cho việc kiến tạo xã hội số.
Trong tương lai, với một tài khoản ePass, toàn bộ hành trình của tài xế từ đỗ xe, trả phí cho đến cảnh báo, hỗ trợ xử lý vi phạm, tìm điểm đổ xăng, nơi sửa chữa… đều được tự động hóa.
Trong hoạt động quản lý, từ camera giám sát, đèn báo hiệu đến toàn bộ hệ thống điều hành cũng đều được thực hiện tự động.
Khi kho dữ liệu lớn trong lĩnh vực giao thông được xây dựng, các địa phương, các Bộ ngành có thể tận dụng những dữ liệu của nhau để tạo nên một hệ sinh thái giao thông an toàn, đem lại nhiều tiện ích cho người tham gia giao thông hơn nữa.
Đây không phải những diễn biến ở quy mô nhỏ, mà là bức tranh rộng lớn trên toàn đất nước Việt Nam.
“Mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là xây dựng hệ thống giao thông thông minh chứ không chỉ dừng lại ở thu phí không dừng", một lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Viettel cho biết.
Theo kế hoạch, sau 3 – 5 năm, VDTC sẽ đưa mật độ thâm nhập dịch vụ từ 25% lên 65%, giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện dán thẻ thu phí tự động cao nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 50% và thay đổi vị thế của giao thông Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Viettel cho biết thêm, sau thành công bước đầu của ePass, Viettel tiếp tục nhận nhiệm vụ từ Bộ Giao thông Vận tải trong công cuộc xây dựng giao thông thông minh ở Việt Nam.
Theo đó, bắt đầu từ ePass, VDTC sẽ tiếp tục mở rộng hệ sinh thái thu phí tự động như: Thu phí sân bay; Thu phí nội đô; Giải pháp thẻ vé điện tử; Thu phí bãi đỗ xe thông minh và các hệ thống, ứng dụng nghiệp vụ liên quan...
Giao thông thông minh phải bao gồm cả đường bộ, đường thủy và hàng không.
Bên cạnh đó, VDTC sẽ cung cấp các giải pháp, công nghệ hệ thống giao thông minh lĩnh vực đường bộ (cao tốc, quốc lộ), hệ thống quản lý giao thông minh (ITS) bao gồm: Quản lý điều hành giao thông, thu phí tự động không dừng, giám sát giao thông, phát hiện phương tiện và đo đếm lưu lượng, giám sát tải trọng phương tiện, phát hiện xử phạt vi phạm, cung cấp thông tin chủ động cho người tham gia giao thông (mở rộng trên ứng dụng ePass), xây dựng Trung tâm Giao thông thông minh Quốc gia, các hệ thống, ứng dụng nghiệp vụ liên quan...
Trong vòng 2-5 năm tới, ePass sẽ trở thành ứng dụng đa dịch vụ cho người tham gia giao thông.
Chủ phương tiện hoàn toàn nắm được thông tin hành trình một cách chủ động, tức thời, biết rõ tình hình lưu thông, thời tiết, các sự cố bất thường đã/đang xảy ra tại đâu để đưa ra lộ trình phù hợp từ đó dễ dàng trong việc tham gia giao thông dưới nhiều hình thức với thời gian ngắn nhất.
“Hệ thống giao thông ở Việt Nam sẽ thực sự thông minh và tiện lợi cho người tham gia với các giải pháp số của Viettel với nền tảng ban đầu là ePass”, lãnh đạo Tập đoàn Viettel khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận