Kinh tế

Tạm ứng 51 tỷ chậm báo cáo: Tổng cục Thuế nghiêm túc kiểm điểm

12/07/2018, 06:52

Chiều 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng...

6

Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Báo cáo về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 3 năm từ 2008 - 2011, Tổng cục Thuế đã thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với 1.336 công chức. Tuy nhiên, chỉ có 300 công chức đã được Bộ Nội vụ phê duyệt danh sách tinh giản biên chế, còn 1.036 công chức do sơ suất trong quá trình tổng hợp báo cáo của Tổng cục Thuế, nên tại thời điểm thực hiện giải quyết chính sách tinh giản biên chế chưa được Bộ Nội vụ chấp thuận.

Sau đó, ngày 27/10/2017, Bộ Nội vụ đã có công văn phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đối với 1.036 công chức nêu trên. Tuy nhiên, tại thời điểm giải quyết chính sách tinh giản biên chế, do chưa được Nhà nước giao bổ sung dự toán kinh phí nên Tổng cục Thuế đã tạm ứng hơn 51,482 tỷ đồng để thực hiện. Đến nay 1.336 công chức thuộc Tổng cục Thuế đã thực hiện tinh giản biên chế đã được Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thẩm tra, phê duyệt danh sách, kinh phí theo quy định. Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban TVQH xem xét, phê duyệt việc sử dụng kinh phí để xử lý dứt điểm.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc thực hiện tinh giản biên chế là từ năm 2012 trở về trước và việc chi trả kéo dài trong nhiều năm, song cơ quan Tổng cục Thuế đã không báo cáo Bộ Tài chính bố trí dự toán NSNN để chi trả theo quy định. Đến nay mới tổng hợp, báo cáo là chưa bảo đảm tính kịp thời theo quy định. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm nghiêm túc.

*Cùng ngày, cho ý kiến vào dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhiều ý kiến băn khoăn về vị trí của lực lượng cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang hay dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nếu quy định cảnh sát biển là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, cảnh sát biển nếu thuộc quân đội thì không phù hợp với xu thế quốc tế, có thể gây hiểu nhầm Việt Nam sử dụng lực lượng quân sự giải quyết các vấn đề trên biển. Dự thảo Luật Chính phủ trình quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” dễ gây hiểu nhầm cảnh sát biển tương đương quân đội, công an hoặc dân quân tự vệ.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh phải khẳng định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, còn việc thuộc tổ chức nào sẽ phân công sau. Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, lực lượng cảnh sát biển cũng giống như bộ đội biên phòng là lực lượng chấp pháp trên đất liền. Biên phòng là lực lượng vũ trang, cảnh sát biển cũng vậy. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các quy định luật nên kế thừa pháp lệnh, xác định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.