Xã hội

Tân Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội là ai?

25/11/2019, 16:06

Quốc hội đã bỏ phiếu thống nhất bầu ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban.

img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng tân Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIV của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chiều 25/11, Quốc hội đã bỏ phiếu thống nhất bầu ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban thay cho ông Nguyễn Khắc Định được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà trước đó.

Ông Hoàng Thanh Tùng (SN 25/12/1966, quê quán ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Trước khi được bầu giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban này. Khi được Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV vào tháng 5/2016, ông đang là Đảng ủy viên Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Chi bộ Vụ Pháp luật, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Vương quốc Anh, làm việc ở Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có bằng cao cấp lí luận chính trị.

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung của dự thảo sửa đổi Luật, Hiến pháp, Pháp lệnh của Quốc hội. Uỷ ban có chức năng, nhiệm vụ: Thẩm tra dự kiến của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị của cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao.

Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua; Chủ trì thẩm tra đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách; Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách; Kiến nghị các biện pháp cần thiết nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.