Từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, lực lượng ly khai Đông Đột đã đẩy mạnh hoạt động trên cả 3 phương diện là xây dựng ngọn cờ, tiến hành các cuộc bạo loạn, khủng bố và phát triển tổ chức, lực lượng.
Cài người vào cơ quan chính trị - xã hội
Lực lượng ly khai Đông Đột sử dụng thủ đoạn đưa người vào cơ quan chính trị - xã hội, chờ thời cơ thuận lợi để đấu tranh công khai với Nhà nước Trung Quốc. Những năm 1980 - 1990, một nhân vật của lực lượng ly khai Đông Đột là Rebia Cader với vỏ bọc là một thương nhân giàu có tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, được Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao, năm 1992 được bầu vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), sau đó công khai sử dụng diễn đàn Chính Hiệp để đấu tranh đòi tự trị và nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương.
Lãnh đạo Trung Quốc đánh giá, các cuộc bạo loạn, khủng bố ở Khu tự trị Tân Cương do tổ chức phản động người Duy Ngô Nhĩ lưu vong và ở trong nước tiến hành với sự hỗ trợ, chỉ đạo của các thế lực thù địch ở nước ngoài. Trong khi đó, các nhóm hoạt động nhân quyền cho rằng căng thẳng ở Tân Cương là do sự đàn áp văn hóa, các biện pháp an ninh không phù hợp và việc nhập cư của hàng loạt người Hán; điều này đã dẫn đến sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng kinh tế kéo dài.
Các nước phương Tây và một số nước Hồi giáo tỏ thái độ “bênh vực” cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, phê phán Chính phủ Trung Quốc đã để xảy ra bạo loạn cũng như sử dụng biện pháp cứng rắn để ổn định tình hình. Dù thế nào, Khu tự trị Tân Cương (và Tây Tạng) là điểm yếu chí tử của Trung Quốc, vì tại đây có cả 3 yếu tố: ly khai, khủng bố và tôn giáo cực đoan, vốn dĩ là những vấn đề hết sức nhạy cảm, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định ở đất nước này./.
Nguyễn Đăng Song
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận