Tận dụng "thời gian vàng" tăng tốc thi công
Hôm nay (10/11), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp trực tuyến về tiến độ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực của các nhà thầu, dù phải thi công trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, thời tiết mưa nhiều, thiếu nguồn vật liệu thi công, tuy nhiên công tác giám sát chất lượng thi công được Ban QLDA Thăng Long thực hiện chặt chẽ và xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật.
Hiện phần lớn diện tích mặt bằng cao tốc đã được bàn giao, chỉ còn vướng một số vị trí mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ được địa phương bàn giao trong thời gian tới. Riêng hai gói thầu XL-03, XL04 hiện vẫn còn thiếu vật liệu đất đắp.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.
Thời gian thi công của dự án còn lại hơn 1 năm (nhưng thực tế chỉ còn khoảng 8 tháng thời tiết khô ráo) để hoàn thành các hạng mục nền, thảm nhựa mặt đường. Trong khi đó, đây là hạng mục quan trọng nhất để quyết định thời gian hoàn thành dự án. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: "Các nhà thầu cần tập trung cao độ huy động nhân lực, máy móc để thi công, tận dung thời tiết khô ráo, đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch Covid-19".
"Thời tiết đang bước vào mùa khô rất thuận lợi cho công tác thi công, đây là thời gian "thời gian vàng" để các nhà thầu tăng tốc bù tiến độ. Ban QLDA Thăng Long cần bám sát địa phương về giải toả mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công", Thứ trưởng Đông yêu cầu.
Cùng đó, Ban QLDA Thăng Long cần lập lại tiến độ chi tiết các gói thầu; đồng thời bám sát và phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc cấp phép các mỏ vật liệu theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 để sớm giải quyết dứt điểm nguồn đất đắp.
Hai gói XL03, XL-04 trong khi chờ thủ tục cấp phép mỏ vật liệu cần khẩn trương huy động thiết bị, máy móc, khi có nguồn vật liệu phải tăng, ca kíp, bố trí nhiều mũi thi công đồng loạt để bắt kịp tiến độ theo kế hoạch.
"Cục QLXD&CLCTGT, Ban QLDA Thăng Long tiếp tục giám sát chặt chất lượng thi công, nhất là nguyên liệu đầu vào đúng quy chuẩn đảm bảo chất lượng. Rà soát, kiện toàn, bổ sung hoặc thay thế tư vấn giám sát yếu kém, giám sát chặt chất lượng công trường, đảm bảo chất lượng và tiến độ giải ngân theo kế hoạch", Thứ trưởng Đông nói.
Nhiều gói thầu đang thi công cấp phối đá dăm trải dài dọc 99km.
Kiện toàn lại nhân sự, bổ sung thêm nhân lực
Theo Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đến nay sản lượng giải ngân các gói thầu xây lắp đạt hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2021 (đạt 78,9%). So với kế hoạch giải ngân, đến nay vượt 2,3%.
Về mặt bằng, tỉnh Bình Thuận đã cơ bản giải quyết xong, còn vướng đường điện 500kV vẫn chưa hoàn thành thủ tục di dời. Các vị trí còn lại đã hoàn thành thủ tục để chuẩn bị di dời. Đoạn tuyến qua Đồng Nai còn 16 hộ thuộc tuyến chính và lõi nút giao, nhánh nút giao chưa nhận tiền đền bù. Công trình hạ tầng có 2 điểm đường găng tại điểm cầu vượt Xuân Tâm 4 (Km 59+686), và cầu vượt Tỉnh lộ 765 (Km69+450).
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, nguồn vật liệu thi công đoạn qua tỉnh Bình Thuận cơ bản đủ đáp ứng cho hai gói thầu XL-01, XL-02. Riêng tỉnh Đồng Nai chỉ khó khăn về đất đắp, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, sau khi có Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 địa phương đang rất tích cực giải quyết vào tháng 12/2021.
Bãi đúc dầm bê tông cầu tại gói thầu XL-04, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
Về tiến độ thi công, tổng thể dự án đang chậm hơn 4% so với kế hoạch. Nguyên nhân chậm có cả khách quan do nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm, vướng mặt bằng, thời tiết, dịch bệnh Covid-19. Còn nguyên nhân chủ quan do sự vào cuộc, tiếp cận dự án của một số nhà thầu chưa quyết liệt, chưa chủ động huy động thiết bị, nguồn vật liệu.
Ban QLDA Thăng Long đã tăng cường công tác giám sát nên những khó khăn, tồn tại đang từng bước được khắc phục. Dự kiến trong tháng 12/2021, nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho hai gói thầu qua Đồng Nai sẽ được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công khi mùa khô bắt đầu.
Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết thêm, hiện sản lượng và tiến độ giải ngân đang rất căng thẳng. Do vậy, ngay từ thời điểm này, các nhà thầu cần tập trung cao độ nhân lực, bám sát tiến độ được phê duyệt để đảm bảo khối lượng thi công. Cùng đó, cần tăng cường nhiều mũi thi công, tập kết vật liệu để đẩy tiến độ.
Nhà thầu thi công cấp phối đá dăm tại gói thầu XL03 đoạn qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Vừa qua, tại hai gói thầu qua tỉnh Bình Thuận, nhân viên tư vấn giám sát chưa giám sát chặt chất lượng đầu vào nên buộc phải cào bóc ra khỏi phạm vi công trường. Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu nhà thầu phụ trách tư vấn giám sát hai gói thầu XL-01, XL-02 khẩn trương kiện toàn lại nhân sự, thay thế, bổ sung nhân lực để đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của dự án.
"Các nhà thầu phải tận dụng thời tiết khô ráo tập trung nhiều mũi thi công chia sản lượng ra từng ngày, phấn đấu đến tháng 5/2022 thảm xong lớp bê tông nhựa mặt đường lớp 1 hoặc lớp nhựa thứ 2. Khối lượng công việc còn lại rất lớn, nếu các nhà thầu không tập trung quyết liệt thi công sẽ khó hoàn thành, đưa dự án về đích đúng kế hoạch", ông Roãn nói.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều 99km đường cao tốc và 2,35km đường nối với QL1, có 4 gói thầu xây lắp. Trong đó, tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận dài 47,67km, đoạn qua Đồng Nai dài 51,33km. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận