Ông Phạm Duy Ninh (phải) |
Chia sẻ với Báo giao thông, ông Phạm Duy Ninh - người vừa trúng tuyển cuộc thi tuyển chức danh Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) khẳng định đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc thi nên khá tự tin, do đó không quá bất ngờ với kết quả đạt được.
Ông vừa là người trúng tuyển vị trí Giám đốc Trung tâm CNTT, cảm giác hiện giờ của ông thế nào, ông có cảm thấy bất ngờ?
Trước hết, cá nhân tôi rất ủng hộ quyết định của Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng Bộ GTVT về việc lựa chọn Giám đốc Trung tâm CNTT thông qua thi tuyển. Để chuẩn bị cho cuộc thi này, theo quy định của Bộ, tôi đã dành thời gian tập trung nghiên cứu, rà soát lại các dữ liệu, tổng hợp lại những đề xuất mà tôi đã thực hiện trong thời gian làm Quyền Giám đốc và những dự định trong thời gian tới.
Việc có cơ hội trình bày và lấy ý kiến thẩm định của Ban Giám khảo cuộc thi sẽ giúp tôi nhìn lại những đề xuất của mình cho việc ứng dụng CNTT của Bộ GTVT đạt được những kết quả tốt nhất. Từ nhận thức như vậy nên tôi không thấy áp lực nào khi tham gia cuộc thi, do đó tôi cũng không quá bất ngờ khi nhận được kết quả.
Chương trình hành động của ông được Ban Giám khảo đánh giá rất cao, đặc biệt về việc đánh giá những tồn tại trong ứng dụng CNTT vào quản lý trong ngành GTVT. Vậy ông có thể cho biết những tồn tại này là gì?
Tôi cho rằng tồn tại lớn nhất là chưa xây dựng được mô hình tổng thể ứng dụng CNTT của Bộ GTVT (bao gồm các thành phần: cơ chế - chính sách, quy hoạch hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và tích hợp các ứng dụng) dẫn đến việc triển khai ứng dụng CNTT chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu rất hạn chế nên hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý của Bộ GTVT.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành GTVT theo ông hiện đang gặp khó khăn gì?
Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành GTVT và cũng là khó khăn chung của cả nước về ứng dụng CNTT là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước nhằm đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho CNTT để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, để triển khai thực tế trong các cơ quan, đơn vị còn nhiều khó khăn. Hơn nữa các quy định về thủ tục đầu tư, về kinh phí vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin cần phải sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với thực tế và đặc thù của lĩnh vực CNTT.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, điều quan trọng nhất với các ứng viên trúng tuyển tại các kỳ thi tuyển là vận dụng bài thi của mình vào thực tế công việc. Tới đây khi nhậm chức, điều này sẽ được ông triển khai như thế nào, ông sẽ chú trọng đến điều gì nhất?
Chương trình hành động của tôi chính là cam kết với Bộ trưởng về những mực tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phù hợp với hiện trạng của Bộ GTVT. Tôi đã đưa ra kế hoạch chi tiết với mục tiêu 2015-2016 sẽ triển khai toàn diện các hệ thống ứng dụng nội bộ. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 sẽ được cung cấp với phạm vi tất cả các đơn vị thuộc Bộ và cơ bản hoàn thành vào năm 2017.
Các ứng dụng CNTT phải phục vụ đắc lực cho công tác quản lý điều hành và phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp bằng ứng dụng CNTT chính là mục tiêu lớn của Bộ GTVT và phải đạt bằng được trong thời gian ngắn tới.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận