Showbiz

Tản mạn hậu trường nghệ sĩ đóng Táo Quân

30/01/2022, 14:04

Gặp nhau cuối năm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng chục triệu người Việt Nam trong mỗi dịp Giao thừa, kể từ năm 2003.

Táo Quân - một trong những show truyền hình đặc biệt lên sóng dịp Tết Nguyên đán suốt gần 2 thập kỷ luôn nhận được sự mong chờ của khán giả mọi miền đất nước.

Để mang đến tiếng cười và những bất ngờ đến cho người xem, ít người biết được các nghệ sĩ đã phải lao tâm khổ tứ, dành nhiều thời gian công sức đến thế nào.

Táo Quân năm nay thậm chí còn có nhiều điều đặc biệt hơn.

img

Dàn Táo Quân 2020 tranh thủ tập luyện trong lúc nghỉ giải lao

Táo Quân 2022 vẫn là “ẩn số”

Tính đến cuối tháng 12/2021 (tức cuối tháng 11 Âm lịch), những thông tin liên quan đến Táo Quân vẫn chỉ dừng lại ở việc ê-kíp xác nhận có sản xuất chương trình.

Có lẽ nhiều người rất tò mò, không hiểu đóng Táo Quân vất vả như vậy thì cát-sê được bao nhiêu. Tuy nhiên, với chúng tôi, đã đóng Táo quân, không bao giờ được nhắc đến cát-sê, vì không đo được bằng tiền, đo được bằng… tình thôi. Tất cả những gì hay nhất, tinh hoa nhất, khó khăn nhất, áp lực nhất các nghệ sĩ cũng đổ vào Táo quân rồi!.
Nghệ sĩ Vân Dung


Còn những thông tin liên quan gần như vẫn chỉ dừng lại ở những đồn đoán, chẳng hạn như đạo diễn Đỗ Thanh Hải sau khi rời VFC, giữ cương vị Phó giám đốc VTV có tiếp tục đảm nhiệm vai trò tổng đạo diễn chương trình hay không? NSND Công Lý có tiếp tục đồng hành sau thời gian nằm viện điều trị?...

Thậm chí NSND Tự Long tiết lộ, bản thân các nghệ sĩ cũng không biết Táo Quân năm nay có diễn ra hay không, khi mãi đến cuối tháng 12/2021 mới nhận được giấy “triệu tập”.

“Các nhân vật có thể vẫn như mọi năm, format cũng sẽ thay đổi linh hoạt dựa theo các format một số gameshow tương tự mọi năm như: Miss Apple, Ai là trợ lý… Điều này phụ thuộc vào tổng đạo diễn của chương trình. Về nội dung, có thể không có nhiều tiêu điểm như các năm khác, vì ngoài vấn đề Y tế vì tất cả đều chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chẳng hạn, chúng tôi có thể khai thác ở góc độ con người ứng xử với Covid-19 thế nào… Trong bối cảnh chung, khi có biết bao người thiệt mạng vì Covid-19, nhiều ngành nghề điêu đứng mà mang chuyện này ra bêu riếu, gây cười thì cũng không được. Đó không phải tiêu chí của chương trình Táo Quân”, NSND Tự Long chia sẻ

“Cắm trại” tại trường quay

img

Hình ảnh nghệ sĩ trắng đêm tập luyện Táo Quân

Chương trình Táo Quân - Gặp nhau cuối năm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng chục triệu người Việt Nam trong mỗi dịp Giao thừa, kể từ năm 2003.

Do phần lớn các nghệ sĩ đều công tác ở các nhà hát nên khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán, tất cả vừa phải làm việc ở cơ quan, đêm lại tụ họp tập luyện tại Trung tâm sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC). Đến khi chuẩn bị ghi hình, các nghệ sĩ dường như “cắm trại” luôn ở phòng tập khi việc ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra tại đây.

NSND Tự Long tiết lộ, có năm, anh phải đi diễn Quảng Ninh, Hải Phòng... nhưng vẫn phải có mặt ở trung tâm lúc 1h sáng để luyện tập. Có những năm, ê-kíp phải tập liên tục tới 20 ngày đêm.

“Chúng tôi hay nói đùa với nhau là đi từ “tiếng thơ” và về lúc “vươn thở”. Tức là phải đi tập từ 10h đêm, rời trung tâm vào 6h sáng. Áp lực nữa là vì chương trình luôn được mọi người chờ đợi, nên ai cũng căng thẳng. Năm nào được mọi người khen hay thì vui, nhưng cũng áp lực theo kiểu “sang năm làm cái gì để mới hơn, hay hơn”, anh nói.

Nghệ sĩ Vân Dung, người đồng hành với Táo Quân từ những năm đầu tiên tâm sự, dù đóng Táo bà, nhưng chị luôn tâm niệm “mình là đàn ông” để bắt kịp cường độ làm việc của mọi người. Cũng giống với Tự Long, chị chia sẻ rằng, điều khiến ê-kíp trăn trở nhất là phải làm ra “rượu mới” từ “bình cũ”.

“Tập Táo là một quá trình, 15 phút đổi kịch bản một lần, mỗi lần mấy chục trang kịch bản là chuyện bình thường. Trong phòng tập, cả 1 dãy trắng kịch bản, ê-kíp cũng phải có 2 - 3 người đánh máy tại chỗ. Các nghệ sĩ nghĩ ra cái gì sẽ viết, biên kịch tại chỗ chứ không phải 1 kịch bản 30 ngày diễn như thế”, Vân Dung kể.

Không chỉ căng mình dưới sức ép của thời gian và cường độ làm việc, sức khỏe của dàn Táo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì ăn uống qua loa, có khi chỉ là mì gói để chống đói.

Nghệ sĩ Vân Dung từng chia sẻ, có năm chị đã phải vào viện cấp cứu vì tập luyện quá sức. Nghệ sĩ Minh Vượng có năm phải dừng đóng vì mắc bệnh tiểu đường, không thể theo lịch dày đặc và ngủ nghỉ thất thường trong quá trình tập luyện và ghi hình. Trong khi đó, các nghệ sĩ khác cũng luôn trong trạng thái bơ phờ, thiếu ngủ trong suốt nhiều tuần tập Táo.

Tình nghệ sĩ sau những đêm diễn

img

NTK Đức Hùng đã có gần 10 năm thiết kế trang phục cho các nhân vật trong chương trình Táo Quân

Cũng là một trong những nghệ sĩ gắn bó từ những số đầu tiên, NSND Tự Long đã đảm nhiệm khá nhiều vai Táo, từ Táo Giao thông, Táo Văn hóa - Giáo dục, Táo Thể thao đến Táo Thổ địa, Táo Tinh thần... Anh luôn được khán giả nhớ tới hình ảnh của một Táo Quân về chầu trời sở hữu nhiều năng khiếu như hát chèo, tấu hài...

Gần 10 năm đồng hành “nâng khăn sửa áo” cho các Táo, tôi thường mất khá nhiều thời gian cho việc lựa chọn sắc màu để toát lên “chất” riêng của từng người. Thông thường, tôi phải lên ý tưởng cho khoảng 100 bộ trang phục từ 2 - 3 tháng trước khi ê-kíp nghệ sĩ bắt tay vào tập luyện. Riêng công đoạn thêu và kết đá, hay các họa tiết tinh xảo cho trang phục tốn nhiều đêm thức trắng.
Thiết kế phục trang cho Táo Quân vừa dễ lại vừa khó, làm sao để bộ trang phục hòa quyện được các yếu tố về thẩm mỹ, cá tính nhân vật và câu chuyện thời sự.
Là một chương trình lên sóng dịp Tết Cổ truyền, tôi muốn khi nhìn vào thì người xem thấy các bộ trang phục đó đậm chất dân gian văn hóa Việt Nam.
Nhà thiết kế Đức Hùng


“Chúng tôi dành cả tuổi trẻ, bao nhiêu nhiệt huyết, sức sáng tạo, chất xám, tinh hoa gửi hết vào chương trình để Táo Quân có bản sắc riêng, độc đáo và mới lạ, cuốn hút”, anh bày tỏ.

Sau gần 2 thập kỷ gắn bó, điều đọng lại trong anh là các nghệ sĩ rất yêu thương nhau, hiểu nhau: “Chúng tôi không chỉ là bạn bè, đồng nghiệp ở Táo Quân mà thân thiết cả ở ngoài cuộc sống. Chúng tôi điều hợp và hiểu nhau. Vì gắn bó với nhau lâu, nên việc tương tác, tung hứng, chúng tôi không gặp bất kỳ trở ngại nào. Chỉ cần một cử chỉ, chúng tôi đã biết câu sau bạn diễn của mình định nói gì”.

Còn “cô Đẩu” Công Lý cũng khẳng định, Táo Quân chính là thanh xuân tươi đẹp của mình.

Trong khi đó, nam diễn viên Trung Ruồi tâm sự, Táo Quân lưu giữ một phần tuổi thơ của mình: “Còn nhớ năm đầu tiên phát sóng Táo Quân là tôi học lớp 6. Cứ đêm Giao thừa mỗi năm, cả gia đình cùng ngồi xem như một thói quen khó bỏ. Đến nay, đã 6 năm gắn bó với chương trình, tôi vẫn cảm giác như đó là giấc mơ”.

Nam diễn viên cho rằng, chương trình không chỉ là một sân khấu biểu diễn, mà đó còn là lớp học với nhiều thầy cô nhất trong cuộc đời. Ở đó, các diễn viên trẻ như anh vừa diễn vừa học.

“Có những buổi tối, anh Tự Long ngồi cùng tôi và Duy Nam, anh chỉ lại cho cách diễn. Đôi khi chỉ là một câu nói thôi nhưng cục diện thay đổi. Hay anh Xuân Bắc chỉ cho cách nói làm sao để có sức nặng.

Đến với Táo Quân, ngoài việc học nghề, tôi còn học được sự tử tế. Đó là cách ứng xử với nghề, với đồng nghiệp. Có những anh chị làm nghề hàng chục năm rồi nhưng vẫn yêu nghề như “yêu một người tình mới”, say mê từng đêm và trau chuốt trong từng câu nói, trang phục biểu diễn”, nam diễn viên tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.