Bạn cần biết

Tàn phế vì... thuốc lá

17/06/2015, 21:43

Các nghiên cứu và thống kê thực tế cho thấy, có tới 97,8% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá.

51

Nhiều người hoại tử chân, tay vì hút thuốc lá

Tắc động mạch, hoại tử xương do… hút thuốc

Làm thủ tục xuất viện ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, ông Nguyễn Văn Đ., 70 tuổi (Nam Định) thở phào thấy mình may mắn vì không bị cắt chân. Theo ông Đ., một năm nay, hai chân của ông có dấu hiệu đau nhức. Ban đầu ông chỉ nghĩ rằng đây là bệnh xương khớp tuổi già nhưng càng ngày bệnh càng nặng, bàn chân có biểu hiện lạnh, tê bì, da kém hồng hào, lở loét ngón. Tới bệnh viện, ông được bác sỹ cho biết bị tắc động mạch chi dưới.

“Tôi hút thuốc lá từ lúc trẻ. Khoảng 20 năm nay, mỗi ngày tôi hút chừng một bao thuốc. Bác sỹ nói tôi bị tắc động mạch do hút nhiều thuốc lá, nếu chậm trễ sẽ hoại tử vào xương, dẫn đến nhiễm trùng, ngấm vào máu, có thể gây tử vong”, ông Đ. nói.

TS. Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM, cảnh báo, mỗi năm có 5 - 7% bệnh nhân phải cắt cụt chi có liên quan đến thuốc lá. Trên 95% bệnh nhân sau khi bị cưa cụt tay chân vẫn tiếp tục hút thuốc lá và lại có nguy cơ đoạn chi lần nữa. 

“Chất nicotin trong thuốc lá kích thích cơ thể tạo ra phản xạ co mạch máu, làm cứng lòng mạch, máu đóng vón, tăng kết dính tiểu cầu. Một số chất độc hại khác tạo phản ứng viêm thành mạch. Lâu ngày, mạch máu phì đại, dày lên, dẫn đến xơ cứng, tắc hẹp, khiến máu không thể lưu thông. Nơi dễ thiếu máu do tắc nghẽn thường là những mạch máu nhỏ, chủ yếu ở ngọn chi như ngón tay, ngón chân..., gây hoại tử”, TS. Nam nói.

10 năm hút thuốc, nguy cơ ung thư tăng 10 lần

Ông Hoàng Văn Tùng ở Bắc Giang cũng từng là một “con nghiện” thuốc lá. Hơn 40 năm qua, thuốc lá gắn với ông như bát cơm, chén nước. Cách đây chừng bốn tháng, cứ thấy đau đầu, buồn nôn, ông Tùng được gia đình đưa vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận ông bị ung thư biểu mô vảy (ung thư phổi giai đoạn 4) di căn não.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 70 nghìn người.

Còn ông Nguyễn Văn Long (Cao Bằng), sau nhiều ngày có biểu hiện ho kéo dài kèm theo các triệu chứng đau tức ngực, buồn nôn. Ông đã điều trị, uống thuốc nhiều nơi không khỏi, đến khi có biểu hiện ho khạc ra máu, ông được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận ông Long bị ung thư biểu mô tuyến giai đoạn 4 do... hút thuốc lá quá nhiều.

Th.S, BS Phạm Văn Thái, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thực tế và khoa học đã chứng minh thời gian hút thuốc lá càng nhiều, với số lượng càng lớn thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Trong đó, người hút thuốc trên 10 năm nguy cơ ung thư gấp 10 lần người bình thường. Có tới 97,8% các ca bệnh ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá và ung thư phổi đang chiếm tới 20% trong tổng số các loại ung thư tại nước ta.

GS. TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ, trong khói thuốc lá chứa hàng trăm loại hóa chất có hại cho sức khỏe, làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80% cho các bệnh nhân ung thư phổi, họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh tim mạch. GS Châu cũng nhấn mạnh, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ hút thuốc lá thụ động cũng nguy hiểm không kém. Người thường xuyên hít phải khói thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26%, tăng 30% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng 25% nguy cơ mắc bệnh phổi và tăng 82% nguy cơ đột quỵ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.