Bóng đá

Tân Phó Chủ tịch tài chính VFF lần đầu hé lộ chi tiết kế hoạch kiếm tiền

30/11/2020, 17:46

Ông Lê Văn Thành, tân Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ VFF đã có những chia sẻ chi tiết về kế hoạch kiếm tiền cho VFF.

img
Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ tịch VFF Lê Văn Thành

Tại Đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam năm 2020, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Động Lực, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã được bầu vào vị trí Phó chủ tịch, phụ trách tài chính và vận động tài trợ.

Hơn một tuần sau khi nhận nhiệm vụ mới, trong cuộc trò chuyện cùng Báo Giao thông, ông Thành cho biết mình vẫn đang nung nấu những ý tưởng kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam.

Phải công khai, minh bạch

Được biết, ông từng có nhiều lần tham gia tranh cử nhưng không thành công, vậy khi được thông báo là người giành chiến thắng, cảm giác của ông ra sao?

Đương nhiên tôi rất xúc động. Khi phát biểu nhậm chức tôi còn cảm thấy run, dù bản thân không lạ lẫm gì bầu không khí như vậy. Tôi cảm ơn các tổ chức thành viên, các CLB đã lựa chọn tôi, đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm. Những lá phiếu cũng là sự ghi nhận đóng góp của tôi cho bóng đá Việt Nam những năm qua. Ở cương vị mới, chắc chắn tôi sẽ nỗ lực để có thêm nhiều đóng góp hơn nữa.

Đâu là động lực giúp ông theo đuổi mục tiêu làm Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF lâu đến vậy?

Tôi sống đơn giản nhưng những mục tiêu mình đã nhắm tới thì sẽ theo đuổi đến cùng. Tôi luôn muốn đóng góp ý tưởng, kinh nghiệm của mình cho bóng đá Việt Nam. Bản thân tôi là người làm kinh doanh, công việc tài chính đương nhiên phù hợp hơn cả.

So với chức danh Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ, chức danh Phó chủ tịch, phụ trách tài chính và vận động tài trợ có ý nghĩa như thế nào với ông?

Nâng tầm rất nhiều chứ. Trên cương vị Phó chủ tịch, phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF, tôi sẽ được tham gia trực tiếp họp bàn với Thường trực VFF và có tiếng nói hơn trong các quyết sách về tài chính của VFF.

Chiếc ghế Phó chủ tịch, phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF thời gian qua khá nhiều thị phi. Bầu Đức “ngồi” 4 năm nhưng không có đóng góp đáng kể. Ông Cấn Văn Nghĩa thì từ chức chỉ sau vài tháng trúng cử. Ông có cảm thấy áp lực khi được tín nhiệm giữ chức vụ này?

Mỗi người có một cách làm việc, cách tiếp cận công việc. Tôi không dám bàn về những người tiền nhiệm. Riêng bản thân tôi, tôi chưa cảm thấy chút áp lực nào. Về mặt chuyên môn, các kế hoạch tài chính cho liên đoàn tôi đã xây dựng tỉ mỉ từ khi còn là Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ, giờ cứ theo đó triển khai sẽ đem lại hiệu quả. Về mặt tư tưởng, tôi xác định đã làm là phải công khai, minh bạch, mà khi minh bạch thì chẳng có lý do gì mình sợ này, sợ kia.

Phó chủ tịch, phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF đương nhiên phải biết kiếm tiền. Đâu là cơ sở để ông tự tin mình sẽ kiếm được nhiều tiền cho VFF?

Tôi rất tự tin. Như đã nói ở trên, sau nhiều năm lăn lộn với thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm này sẽ giúp tôi thực hiện nhiệm vụ mới hiệu quả hơn. Ngoài ra, bóng đá Việt Nam đang có hình ảnh rất đẹp. Thành tích và lối chơi của đội tuyển quốc gia khiến người hâm mộ nức lòng, đây là tiền đề rất tốt để công tác vận động tài trợ trở nên dễ dàng hơn.

img
Công ty cổ phần Động Lực của ông Lê Văn Thành thường xuyên đồng hành cùng các Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu quốc tế

Tăng nguồn thu từ vé và bản quyền

Ông từng phát biểu rằng, bản quyền truyền hình và vé bóng đá là hai nguồn thu chính trong kế hoạch của ông. Ông dự định thay đổi như thế nào để hai mảng này trở thành “gà đẻ trứng vàng”?

Nói ra chi tiết thì dài lắm, tôi chỉ vắn tắt ý tưởng của mình như sau. Về bản quyền truyền hình, trước đây mỗi trận của đội tuyển quốc gia các nhà đài Việt Nam chỉ trả 30 - 50 triệu đồng, đó là cái giá quá thấp. Gần nhất, tôi đã bán được có trận khoảng 10 tỷ. Khi chúng ta mua bản quyền các giải đấu quốc tế có sự góp mặt của tuyển Việt Nam thì số tiền bỏ ra đều lên tới hàng chục tỷ, thậm chí nhiều hơn.

Theo tôi, để bản quyền truyền hình của đội tuyển quốc gia có giá trị lớn thì phải vận hành cơ chế thị trường. Miếng bánh này cần có sự tham gia của nhiều đơn vị truyền hình, kể cả đơn vị nước ngoài. Khi đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy giá trị bản quyền.

Với vé bóng đá, đội tuyển quốc gia đá tối đa là 400 - 500 nghìn đồng/vé, thấp thì 150 - 200 nghìn đồng. Tôi cho rằng mức giá này không còn phù hợp, nhất là khi nhìn vào những kẻ trục lợi bán cả 10 triệu đồng/cặp vé vẫn có người mua. Một buổi biểu diễn của ca sĩ hạng A vé cũng cỡ chục triệu đồng.

Vì vậy, tôi nghĩ chẳng có lý do gì để đội tuyển quốc gia - tập thể đại diện cho cả đất nước lại bán vé thi đấu với mức giá thấp. Theo tôi, vé cũng cần bán theo cơ chế thị trường mới có nguồn thu lớn. Trên thế giới, vé và bản quyền truyền hình thường chiếm 70% doanh thu, rõ ràng con số của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn.

Ở góc độ một doanh nhân, theo ông đội tuyển Việt Nam, bóng đá Việt Nam cần thể hiện được những gì để trở nên thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, nhà tài trợ?

Bản thân bóng đá vốn là một món hàng cực kỳ hấp dẫn. Không phải bỗng nhiên thế giới coi bóng đá là môn thể thao vua. Không riêng bóng đá Việt Nam, mọi nền bóng đá nếu muốn hấp dẫn với nhà tài trợ, nhà đầu tư thì cần có thành tích cao dựa trên lối đá đẹp và đặc biệt phải trong sạch, không bán độ, dàn xếp tỉ số.

Dĩ nhiên, khi bóng đá không có thành tích thì rất khó kiếm tiền. Vì vậy, muốn bóng đá Việt Nam có nền tảng tài chính vững mạnh, ổn định thì điều tất yếu là duy trì thành công. Muốn duy trì thành công lại phải xây dựng nền móng vững chắc, tạo ra lực lượng kế cận hùng hậu.

Mảng dịch vụ ăn theo đội tuyển (bán đồ lưu niệm, quần áo) dường như vẫn chưa được chú trọng thời gian qua, ông có ý định mở rộng mảng này?

Đúng là mảng dịch vụ này lâu nay VFF chưa triển khai, làm hụt một nguồn thu đáng kể. Tôi đã đi thăm quan, học hỏi nhiều nền bóng đá, nhiều CLB lớn trên thế giới và hiểu phải làm như thế nào. Tuy nhiên, phải nói thật là ở Việt Nam muốn một sớm một chiều có tiền từ bán áo đấu, vật phẩm liên quan tới đội tuyển là không dễ.

Bởi lẽ, người hâm mộ chưa có ý thức giữ gìn hình ảnh cho đội tuyển. Cái thể hiện rõ nhất là họ sẵn sàng mua những chiếc áo nhái với giá rẻ thay vì hàng chính hãng. Thế nên, muốn thay đổi thì trước hết phải thay đổi từ suy nghĩ của người hâm mộ. Tiếp đó, VFF phải siết chặt vấn đề bản quyền hình ảnh của đội tuyển chứ như hiện tại nhiều khi hình ảnh của đội tuyển bị lợi dụng mà đâu phải lúc nào chúng ta cũng xử lý được.

Được biết, ông cũng đang là Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, thêm một vai trò mới tức khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, ông sắp xếp công việc thế nào và có sợ mình sẽ quá tải?

Làm việc mình thích thì không bao giờ cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Đúng là công việc hơi nhiều nhưng tôi vẫn có thể sắp xếp để hoàn thành. Nói là thế nhưng sắp tới tôi cũng xin rút lui khỏi Liên đoàn Bóng chuyền để tập trung cho bóng đá.

Trong giới thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, ông không phải là nhân vật lạ lẫm, kinh nghiệm trong những năm hoạt động thể thao sẽ giúp gì cho ông ở vai trò mới?

Cách đây 30 năm, tôi có gặp Chủ tịch một nhãn hàng Nhật Bản chuyên sản xuất dụng cụ cầu lông. Ông ấy nói muốn hợp tác với tôi để bán vợt cầu lông tại Việt Nam. Tôi nhìn giá thì thấy choáng quá, tôi nói giá này bán cho dân tôi thì khó hơn lên trời. Ông ấy lại nói, tôi sẽ giúp ông bán. Thế rồi ông ấy bày cho tôi tài trợ một giải cầu lông và quả thật sau đó tôi bán được nhiều vợt thật. Bài học này đã dạy cho tôi biết thế nào là đầu tư để bán hàng, thế nào là tìm đối tượng khách hàng phù hợp.

Bóng đá muốn kiếm tiền cần định vị được giá trị của mình, biết đối tượng khách hàng nào cần mình và có kế hoạch tiếp cận phù hợp. Nhưng người làm tài trợ như tôi là bán các sản phẩm của bóng đá, không phải xin tài trợ, như vậy mới chuyên nghiệp và lâu dài.

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.