Xã hội

Tán thành Hội đồng Y khoa quốc gia do Thủ tướng thành lập

05/01/2023, 11:25

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng thành lập.

Quy định giấy phép hành nghề 5 năm gia hạn 1 lần

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp sáng 5/1, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về Hội đồng Y khoa quốc gia, có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nên do Bộ Y tế thành lập.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để chủ trì thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề. Do vậy, để thận trọng và thuận tiện cho Chính phủ trong quá trình điều hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với cơ quan soạn thảo đưa vào quy định của Luật: Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Về thời hạn của giấy phép hành nghề, bà Thúy Anh cho biết, theo dự thảo Luật, việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm. Theo đó, cứ 5 năm/lần, người hành nghề thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Việc gia hạn chủ yếu sẽ thực hiện trực tuyến.

Tuy nhiên, còn một số ý kiến ĐBQH và ý kiến của một số hiệp hội chưa thống nhất với việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề và cho rằng, khi người hành nghề có hành vi vi phạm và không thực hiện cập nhật kiến thức y khoa liên tục, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện thu hồi, như vậy là cũng có thời hạn. Thậm chí có ý kiến cho rằng, việc quy định thời hạn giấy phép hành nghề là bước "thụt lùi".

"Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến thêm về thời hạn của giấy phép hành nghề", bà Thúy Anh nói.

Tăng khả năng tiếp cận y tế tại địa bàn, hạn chế chuyển bệnh viện tuyến cuối

Theo bà Thúy Anh, hiện dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) đã được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cả của Nhà nước và tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm tính liên tục, liên thông.

Theo đó, cấp ban đầu sẽ bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có điều trị nội trú (phòng khám, trạm y tế xã); cấp cơ bản sẽ bao gồm các bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện, bệnh xá, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tư nhân và cấp chuyên sâu sẽ bao gồm các bệnh viện tuyến cuối.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc phân cấp này bởi quy định không làm ảnh hưởng mà còn làm tăng khả năng tiếp cận của người dân ngay trên địa bàn, hạn chế phải chuyển lên bệnh viện tuyến cuối gây tốn kém và quá tải bệnh viện tuyến cuối.

Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, theo bà Thúy Anh, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định rõ về cơ chế tự chủ của các bệnh viện; ý kiến khác đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện.

Đề nghị quy định rõ cơ chế tự chủ của cơ sở khám, chữa bệnh

Ngoài ra, cũng có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét tính khả thi của cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cần quy định việc tự chủ nhưng đồng thời bảo đảm chất lượng trong dịch vụ y tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước để thực hiện chức năng nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khi thực hiện tự chủ; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quy định như dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Chậm thanh toán chế độ tham gia chống dịch làm ảnh hưởng tâm lý y, bác sĩimg

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa thống nhất; công tác duy trì, quản lý việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch và phối hợp giữa các lực lượng có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ. Người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn chưa tốt.

Ngoài ra, việc chậm thanh toán chi phí trong điều trị cho người bệnh COVID-19, chế độ hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tới các cơ sở y tế, tâm lý y, bác sĩ và đội ngũ tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Việc giấy đăng ký lưu hành thuốc không được gia hạn kịp thời xảy ra từ trước khi bùng phát dịch COVID-19 và trầm trọng hơn do tác động của dịch COVID-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.