Tận ngắm "Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn" về đất cố cô Huế tại triển lãm |
Triển lãm “Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức, nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa hai đơn vị này. Đây là lần đầu tiên Huế đón nhận số lượng lớn các bảo vật triều Nguyễn trở về đất cố đô.
Bảo vật bao gồm những vật biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế và triều đại như: kim bảo, ngọc tỷ, kim sách, bảo kiếm hoặc những đồ tự khí, những vật dụng phản ánh đời sống sinh hoạt, nghi lễ cung đình triều Nguyễn được làm bằng các chất liệu quý hiếm như vàng, ngọc, đá quý được lưu truyền qua nhiều đời.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, triển lãm có những vật báu là “khí cụ của quốc gia”, ngay cả các quan đại thần trong triều đình cũng ít ai được trông thấy. Đó là các bảo tỷ được truyền từ đời này qua đời khác, là vật biểu trưng cho tính chính thống và quyền lực tối cao của hoàng đế triều Nguyễn.
Ngoài các loại kim ấn, bảo tỷ hoặc kim sách, các đồ dùng văn phòng tứ bảo hoặc vật dụng sinh hoạt phục vụ ẩm thực của hoàng gia triều Nguyễn là những bảo vật được chế tác tinh xảo và bằng các loại chất liệu quý hiếm như: vàng, bạc, ngọc… thể hiện tính thẩm mỹ cao, cũng như đời sống tinh thần phong phú của các hoàng đế triều Nguyễn”, ông Hải cho hay.
Theo Ban tổ chức, kể từ khi triều Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử vào năm 1945, hầu hết các bảo vật của triều Nguyễn được di chuyển ra Hà Nội để đảm bảo an toàn tối đa trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Được lưu giữ cẩn mật theo đúng Sắc lệnh số 65, ký ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh.
Theo TS. Hải, từ năm 2015 đến nay đã có 2 cuộc triển lãm: “Trang sức cổ Việt Nam” và “Kim bảo, kim sách triều Nguyễn” được tổ chức tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Với 143 năm tồn tại, triều Nguyễn (1802- 1945) để lại cho cố đô Huế một di sản đồ sộ, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể có giá trị nổi bật toàn cầu. Trong đó, quần thể Di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993), Nhã nhạc- Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2003) và 3 di sản tư liệu thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Bên cạnh đó, triều Nguyễn cũng là triều đại đã để lại một số lượng lớn nhất các bảo vật hoàng cung so với các triều đại quân chủ khác trong lịch sử dân tộc. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP. Huế) vào các ngày trong tuần, từ 6/12/2016 đến 5/1/2017. |
Một số hình ảnh tại triển lãm "Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn":
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận