Con đường dẫn vào vườn cò Ngọc Nhị (ảnh lớn) và hai con trùng tục bị cơ quan kiểm lâm thu giữ (ảnh nhỏ) |
Công khai giết cò
Trong khung cảnh vườn tre bương ngút ngàn, khoảng không gian yên tĩnh và những mái chòi lá hiu hiu gió mát đã tạo ra dấu ấn riêng biệt của Khu du lịch sinh thái vườn cò Ngọc Nhị. Hàng trăm chiếc ô tô, xe máy lũ lượt nối đuôi nhau kéo về “đại bản doanh” sinh tồn của loài cò để thưởng ngoạn thắng cảnh và thưởng thức những món thịt động vật hoang dã. Du khách lần đầu đến đây đều thầm khen chủ vườn có ý thức bảo vệ động thực vật khi đọc những tấm biển to chình ình ở các gốc cây với nội dung quy định: “Cấm leo trèo gây động mạnh; cấm lấy trứng, bắt cò; cấm bẻ măng trong rừng”...
Nhưng trái hẳn với vẻ bề ngoài, khi đi xuyên qua hàng tre cao thì mới thấy một “sân sau” hoành tráng với hệ thống gian bếp chế biến thực phẩm, hàng ăn… rộng khoảng 3 nghìn m2 xếp hàng dài theo một chuỗi nhà hàng sang trọng có thể phục vụ 500 - 600 thực khách ăn uống cùng một lúc. Đặc biệt, ở mỗi góc chòi ăn uống đều treo biển thực đơn “to uỳnh” với dòng chữ nổi bật “đặc sản chế biến từ cò”.
Ông Nguyễn Xuân Dung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì cho biết, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì đã đề nghị UBND TP Hà Nội chuyển vườn cò Ngọc Nhị thành khu bảo tồn thiên nhiên. Song, đề nghị này vẫn chưa có hồi âm. |
Dạo một vòng qua các chòi ăn, chúng tôi thấy trên các mâm luôn có sẵn 1 - 2 đĩa thịt cò quay với số lượng từ 4 - 6 con. Nhân viên của nhà hàng túc trực chờ “thượng đế” yêu cầu là mổ cò sống để khách được thưởng thức các món ăn tươi ngon hơn.
Trong vai thực khách, chúng tôi được chủ vườn giới thiệu những món ăn được xem là đặc sản của nhà hàng, nào là cò nướng, cò quay, cò xáo măng, cò rang muối… Mỗi con cò sau khi được vặt lông, quay chín thơm ngậy và chế biến đủ món tùy chọn sẽ được bán với giá 70 nghìn đồng.
Chúng tôi được chị H (nhân viên của nhà hàng) giới thiệu, cò ở Ngọc Nhị là cò hoang dã nên thịt rất thơm, ngon và chắc. Ngoài ra, nhà hàng còn bán cả trùng tục (giống gà nước) đang được du khách yêu thích. Chỉ cần bỏ ra 300 nghìn đồng là du khách sẽ có một bữa thịt cò ngon “độc nhất vô nhị” ở nơi đồng quê Ba Vì.
Khi chúng tôi tỏ ý muốn mua cò với số lượng lớn đem về làm quà, chị H hứng khởi: “Anh muốn mua bao nhiêu cũng có, số lượng không hạn chế, nếu cần chế biến thì nhà hàng sẽ làm, với tiền công khoảng 100 nghìn đồng”.
Chị H cũng cho biết thêm, cò ở đây được đánh bẫy một mẻ vào sáng sớm nếu hôm nào có lịch đặt ăn nhiều.
Có ngó lơ vụ việc?
Ngay sau khi ghi nhận tình trạng giết mổ cò công khai tại vườn cò Ngọc Nhị, chúng tôi đã gửi phản ánh vụ việc lên Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì (Hà Nội).
Ông Đinh Đức Hoàng, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì cho biết: “Hạt Kiểm lâm Ba Vì đã lập tổ công tác đến kiểm tra nhà hàng vườn cò Ngọc Nhị. Tại đây đã phát hiện và thu giữ được hai con chim trùng tục, trọng lượng 0,4 kg đã bị giết mổ. Hạt kiểm lâm đã lập biên bản kiểm tra và báo cáo với cấp trên để xử lý”.
Ông Hoàng cũng cho biết thêm, bản thân chủ vườn cò Ngọc Nhị cũng đã ký cam kết với Hạt Kiểm lâm Ba Vì về việc không kinh doanh, mua bán, vận chuyển, săn bắn, bẫy bắt, tàng trữ, nuôi nhốt, giết thịt, chế biến thức ăn từ động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên.
Mặc dù vậy, trên thực tế, nhà hàng vườn cò Ngọc Nhị vẫn treo biển quảng cáo thực đơn từ cò và các động vật hoang dã. Hàng ngày, chủ vườn vẫn sát hại đàn cò để chế biến cò thành những món ăn khoái khẩu phục vụ các du khách gần xa.
Về thực tế này, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá, vườn cò Ngọc Nhị, Ba Vì hình thành từ những năm 90 thế kỷ trước. Hiện nay, tình trạng giết mổ cò và một số động vật hoang dã (chủ yếu là gà nước) ở vườn cò Ngọc Nhị diễn ra sôi động và là điều không thể chấp nhận được. Việc buông lỏng quản lý và nếu có dung túng của các cơ quan chức năng là điều đáng trách vì bản thân vườn cò Ngọc Nhị là tự nhiên, cần phải được bảo vệ để phát triển hệ sinh thái và du lịch cộng đồng. Hiện nay, vườn cò này vẫn còn giá trị về nghiên cứu khoa học, Sở KHCN, Đại học Quốc gia Hà Nội... đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu ở đây. Gia đình ông Học cần tuân thủ những quy tắc về việc bảo vệ cò và động vật hoang dã trong khu vườn. Đồng thời, chính quyền và các cơ quan chức năng cần sớm ra một quyết định để bảo tồn di sản thiên nhiên vườn cò Ngọc Nhị.
Hữu Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận