Xã hội

Tận thấy Sa Ná hồi sinh, thành bản kiểu mẫu

10/04/2022, 06:00

Cách đây 3 năm, Sa Ná nhuốm màu tang thương khi có tới 10 người chết và mất tích, hàng chục ngôi nhà bị cuốn bay bởi trận lũ lịch sử.

Ký ức kinh hoàng dần trôi vào dĩ vãng, cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày.

img

Bản Sa Ná nhìn từ trên cao

Ký ức trên nền cỏ cây

Cũng đã 3 năm rồi, chúng tôi mới có dịp trở lại bản Sa Ná (thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Từ QL217, men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo khoảng 3 - 4km, qua vài cây cầu, đập tràn mới được xây dựng là tới nơi.

Mặc dù là nông thôn mới kiểu mẫu nhưng so với bộ tiêu chí mới ở giai đoạn 2021 - 2025 thì bản Sa Ná vẫn còn 28 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập.
Hiện nay hệ thống đường giao thông thuận tiện, ô tô tải vào tận bản nên trong thời gian tới, ngoài phát triển sản xuất cây lâm nghiệp, xã đang đề nghị huyện xem xét mở tiếp các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng rau sạch, an toàn, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân.

Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo

Ba năm trước, cũng tại nơi đây, chúng tôi đã từng chứng kiến, ghi hình những cảnh tượng đổ nát, kinh hoàng sau khi trận “đại hồng thủy” đi qua.

Trở lại nơi này những ngày đầu tháng tư, nếu không có sự chỉ dẫn của anh Ngân Phúc Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Na Mèo, có lẽ chúng tôi khó có thể nhận ra ở phía xa xa trên ngọn đồi cao là bản Sa Ná với những nếp nhà cao, đường, trường, trạm hiện đại.

Từ năm 2020, nơi đây đã được công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu.

Đi được nửa đường, anh Hậu chỉ tay vào phần bia mộ tưởng niệm đặt ven đường, trầm ngâm nói: “Đây là nơi mà nhân dân cùng chính quyền lập nên để nhớ về trận lũ lịch sử năm đó”.

Trên phần bia mộ có ghi rõ: “Khu vực xảy ra thiên tai (lũ quét) làm 10 người chết và mất tích và 51 ngôi nhà bị hư hỏng, cuốn trôi vào ngày 3/8/2019”.

Nán lại ít phút, anh Hậu tiếp tục chỉ tay về phía đối diện, chếch xuống hạ lưu con sông Luồng cho hay: “Đó chính là nền cũ của các ngôi nhà trong bản bị dòng lũ cuốn vào năm đó. Ở đây bây giờ người dân không ở nữa mà cải tạo được chỗ nào thì trồng cây hoa màu”.

Quan sát kỹ mới thấy, đúng ở vị trí này cách đây 3 năm, toàn là gỗ cây, móng nhà, tường rào xáo trộn, hỗn độn bên dòng sông Luồng cuồn cuộn đỏ ngầu.

img

Những ngôi nhà, trường học trên bản Sa Ná được xây dựng khang trang

Những hình ảnh đó bây giờ không còn nữa, mà thay vào là những màu xanh mướt của ngô đồng, khóm lạc… Thậm chí, ở ngay những chỗ không thể canh tác được nữa, vẫn là một màu xanh rì của cỏ cây.

Vắt vẻo qua một đoạn đường, vào bản Sa Ná, tìm gặp Trưởng bản Ngân Văn Thêu thì mới hay ông đang bị mắc Covid-19 mấy ngày nay, không thể nói chuyện trực tiếp được nên đành phải sử dụng “công nghệ 4.0”.

Qua lời kể, vị trưởng bản này nhớ như in: Lúc đó là khoảng 7h ngày 3/8/2019, sau trận mưa, nước ở thượng nguồn đổ về ào ạt, đất, đá ùn ùn đổ xuống. Bà con trong bản hô hoán gọi nhau chạy lên chỗ cao lánh nạn. Chỉ ít phút sau, nước lũ chảy về cuốn bay đi tất cả nhà cửa, đồ đạc của người dân. Trong đó, có 10 người trong bản bị chết và mất tích.

“Lũ về nhanh khiến người dân không kịp trở tay, lúc đó ai chạy nhanh thì sống sót chứ còn thời gian đâu mà chuyển đồ đạc. Ký ức buồn đau và những hình ảnh hoang tàn ngày đó, người dân nơi đây không bao giờ quên được…”, Trưởng bản Ngân Văn Thêu tâm sự.

Theo như Phó chủ tịch UBD xã Ngân Phúc Hậu và Trưởng bản Ngân Văn Thêu, khi xảy ra sự việc, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.

Đau thương vì người tử vong và mất tích sau trận lũ quá lớn, những người ở lại còn phải đối diện với thực tế toàn bộ nhà cửa, vườn tược, hoa màu, tài sản, vật nuôi… đã bị san phẳng, cuốn trôi. Ai nấy hoang mang, lo lắng vô cùng.

Tuy nhiên, được sự giúp sức của chính quyền và nhân dân khắp nơi nên chỉ sau 4 tháng, bản Sa Ná được xây dựng trên vị trí đồi mới, cách vị trí cũ khoảng gần 2km. Toàn bộ các hộ dân đều chuyển lên đây ở, bắt đầu cuộc sống mới...

Bản nông thôn mới kiểu mẫu

img

Anh Lương Văn Hận cho biết, thu nhập bây giờ ổn định hơn trước rất nhiều

Dạo quanh một vòng dưới chân núi mới thấy, bản Sa Ná giờ được đầu tư hạ tầng giao thông rất bài bản. Từ đường chính đến các đường vào ngõ ngách của bản đều được đổ bê tông, tường bao có bê tông cốt thép chịu lực.

Ở phía trên đồi, chia theo hai bên đường chính là những ngôi nhà gỗ có mái tôn mọc san sát nhau. Chính giữa phía trên cao nhất là trường tiểu học, cạnh đó là trường mầm non được xây dựng khang trang.

Đang xào vội chảo rau trên bếp chuẩn bị cho bữa cơm trưa, thấy có khách đến, anh Lương Văn Hận (23 tuổi) cho biết, trước kia anh ở chỗ cũ cùng với bố mẹ nhưng sau trận lũ, gia đình được bố trí nhà và đất ở riêng.

“Nhà em mới sinh được cháu trai 1 tháng tuổi nên mọi việc đều do em gánh vác. Hàng ngày em đi làm thợ hồ cũng đủ nuôi sống cả gia đình.

So với trước kia thì khấm khá hơn, có nhà mới rồi, có con rồi nên không phải lo nghĩ nhiều. Giờ chỉ lo làm ăn để sau tích góp làm cái nhà mới đẹp hơn thôi”, anh Hận cười vui.

img

Anh Lê Đức Thiện hành nghề sửa chữa ô tô trong bản

Là hàng xóm, anh Lê Đức Thiện (38 tuổi) cho hay, vợ chồng anh có 2 con. Trước kia khi các con anh Thiện đi học phải lội suối đến trường, giờ thì sáng dậy chỉ đi bộ vài bước chân.

“Trận lũ đã cuốn hết gia sản nhưng nhờ mọi người giúp đỡ nên em đã mở tiệm sửa xe ô tô, thu nhập giờ cũng ổn định hơn trước rất nhiều”, anh Thiện phấn khởi.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết, trước kia, người dân bản Sa Ná khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng luồng, nứa, vầu. Tính đến thời điểm hiện tại, bản có 78 hộ dân với 399 nhân khẩu.

“Sau cơn lũ dữ, cơ sở hạ tầng giao thông, cầu cứng, cầu tràn, hệ thống điện, trường học… trên địa bàn được quan tâm đầu tư. Hệ thống mương đập, đất nông nghiệp ảnh hưởng bởi trận lũ được khôi phục.

Được di dời sang nơi ở mới, hỗ trợ xây dựng nhà cửa và đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cuộc sống của người dân Sa Ná đổi thay từng ngày.

Tính bình quân thu nhập hiện nay người dân ở bản Sa Ná khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Hồi tháng 6/2020, bản Sa Ná được công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã”, ông Huân cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.