Định hướng về kinh tế
Chiều 22/8, ông Srettha Thavisin, ứng viên của liên minh do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) dẫn đầu, được Quốc hội Thái Lan bầu làm Thủ tướng thứ 30, khơi thông bế tắc chính trị Thái Lan sau ba tháng kể từ ngày diễn bầu cử Hạ viện.
Lúc này, mọi ánh mắt đang đổ dồn về cái tên Srettha Thavisin. Tuy trên chính trường, ông chỉ là ngôi sao mới nổi nhưng trong kinh doanh, Srettha Thavisin là cái tên nổi bật, là nhà kinh doanh kỳ cựu và thành đạt của Thái Lan.
Điều đáng nói, trong quá trình vận động tranh cử và ở nhiều cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asia trước đây, ông Thavisin thường nhắc đến tham vọng muốn Thái Lan đuổi kịp Việt Nam và Indonesia trong việc đạt được các thoả thuận thương mại tự do (FTA) khi cả Indonesia và Việt Nam đều đã có nhiều FTA với các nhà đầu tư và nhập khẩu quan trọng như Liên minh châu Âu (EU).
Ông Srettha Thavisin thu hút sự quan tâm của báo chí khi đến trụ sở đảng Vì nước Thái hôm 22/8 (Ảnh: Ken Kobayashi/Nikkei Asia).
Định hướng của ông Srettha không phải không có cơ sở khi cách đây bốn năm thời điểm Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - VN (EVIPA), Văn phòng chiến lược và chính sách thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan từng lo ngại, việc Việt Nam ký các thỏa thuận thương mại và đầu tư mới đây với Liên minh châu Âu (EU), các ngành xuất khẩu xe hơi, máy tính và thiết bị điện của Thái Lan sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ.
"FTA này là thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng thực hiện với một quốc gia đang phát triển. Do đó, Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế và lợi ích hơn Thái Lan nhờ vào cả hai thỏa thuận. EVFTA bao trùm 99% hàng xuất khẩu từ cả hai nền kinh tế" - Tổng giám đốc của TPSO từng nhận định.
Đẩy mạnh đàm phán để bắt kịp số lượng các thoả thuận FTA như Việt Nam là một trong những định hướng của ông Srettha khi nắm quyền lãnh đạo nhằm hiện thực hoá một loạt cam kết về kinh tế đối với các cử tri ủng hộ đảng Vì nước Thái.
Trong các cuộc vận động tranh cử, đảng Vì nước Thái luôn chỉ trích những vấn đề còn bất cập trong kinh tế Thái Lan và nhấn mạnh tình hình bất ổn chính trị đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài “chạy khỏi thị trường vốn Thái Lan”, tăng trưởng quý hai của năm 2023 chậm lại.
Một trong những chính sách vận động tranh cử đáng chú ý của Đảng này chính là chương trình ví thanh toán điện tử trị giá 10.000 bath (285 USD).
Ông Srettha Thavisin công bố chiến lược ví điện tử 10.000 bath khi vận động tranh cử (Ảnh: Pattarapong Chatpattarasill).
Đề xuất này chính là "đứa con tinh thần" của ông Srettha, được kỳ vọng có thể đưa Thái Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tiên phát hành ví điện tử cho tất cả công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên qua điện thoại thông minh.
Số tiền 10.000 bath chỉ có thể dùng để chi tiêu trong bán kính 4km tính từ nhà người nhận, có giá trị trong 6 tháng.
Ông Srettha Thavisin đánh giá đây là chính sách rất quan trọng, có thể kích thích người dân chi tiêu từ đó tạo bước nhảy vọt cho GDP Thái Lan. Nếu áp dụng đồng thời nhiều chính sách khác, có thể mang đến cơ hội phục hồi kinh tế một cách bền vững cho đất nước “chùa Vàng”.
Từ đại gia bất động sản đến Thủ tướng Thái Lan
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia hồi tháng Tư, ông Srettha từng nói:
“Bất bình đẳng là lý do chính khiến tôi quyết định chuyển từ doanh nhân sang chính trị gia”.
Giải thích về quyết định tham gia chính trường khi đã ở độ tuổi nhiều người lui về nghỉ ngơi, ông Srettha cho biết: “Tôi đang ở độ tuổi nhất định trong cuộc đời. Các con đã tốt nghiệp. Gia đình ổn định về tài chính. Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn cảm thấy không hạnh phúc khi chứng kiến xã hội ngày càng bất bình đẳng”.
Ông Srettha Thavisin sinh năm 1963, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan và có thời gian theo học tại Mỹ.
Ông có bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Claremont, Mỹ.
Ông Srettha có vợ là Tiến sĩ Pakpilai Thavisin, chuyên gia về thuốc chống lão hoá và có ba con đã trưởng thành.
Ông Srettha là Chủ tịch, Giám đốc điều hành Sansiri - một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực bất động định hướng theo phong cách sống tại Thái Lan.
Ông còn được biết là nhân vật thân tín của các cựu Thủ tướng Thái Lan như ông Thaksin Shinawatra hay bà Yingluck Shinawatra.
Ông Srettha bắt đầu sự nghiệp với vai trò trợ lý giám đốc tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble tại Thái Lan. Đến năm 1990, ông chuyển sang dẫn dắt Sansiri, công ty phát triển bất động sản của gia đình.
Sansiri từng niêm yết trên Sàn chứng khoán Thái Lan vào năm 1995 và đi đầu trong lĩnh vực bất động sản định hướng theo phong cách sống tại Thái Lan sau đó mở rộng ra nước ngoài thông qua các thương vụ mua lại như vụ mua tập đoàn khách sạn Standard International.
Ông Srettha từ chức Chủ tịch, Giám đốc điều hành Sansiri từ tháng 4 năm nay trước khi cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan bắt đầu. Trước đó một tháng, ông Srettha chuyển 661 triệu cổ phiếu ở Sansiri (tương đương 4,44% cổ phần) cho con gái út. Sau khi ông Srettha từ chức, anh họ Apichart Chutrakul của ông đã lên nắm quyền CEO Sansiri.
Với tư tưởng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài ba, một khi bước chân vào chính trường, ông Srettha muốn phải tạo sự khác biệt.
Và “một trong những vị trí quan trọng để có thể tạo sự khác biệt chính là vị trí Thủ tướng” – ông Srettha từng chia sẻ.
Bị chế nhạo, hoài nghi khi chuyển hướng sang chính trị
Bước chân sang chính trường, ông Srettha đối mặt với khởi đầu đầy chông gai.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia hồi tháng 5, ông vẫn không quên cảm giác bị những người ủng hộ đảng Vì nước Thái tại khu vực Đông Bắc Thái Lan, vốn yêu thích ứng viên cùng đảng Paetongtarn Shinawatra (con gái cựu Thủ tướng Thaksin), chế nhạo như thế nào.
Ông Srettha Thavisin cùng ứng viên Paetongtarn Shinawatra vận động tranh cử tại tỉnh Chon Buri (Ảnh: Pheu Thai Party).
Không ít đồng nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cũng hoài nghi khi doanh nhân này chuyển hướng sang chính trị.
Nhưng không vì vậy mà ông Srettha ngần ngại, dè dặt khi đối thoại và vận động tranh cử.
“Khi tôi bước vào lĩnh vực này, gặp gỡ từ các chủ doanh nghiệp cho đến nông dân, tôi không chỉ nói những gì họ muốn nghe mà còn tranh luận và thể hiện quan điểm của mình” – đại gia bất động sản nói và nhấn mạnh "tôi chẳng hứa hẹn điều gì lớn lao".
Con đường tới ghế Thủ tướng Thái Lan của ông Srettha cũng có lúc bị gián đoạn khi Đảng Tiến bước bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện, vượt lên trên đảng Vì nước Thái.
Thời điểm đó, đảng này chấp nhận cùng đảng Tiến bước liên minh và đưa lãnh đạo đảng Tiến bước lên làm ứng viên Thủ tướng nhưng không thành.
Trước biến động này, đảng Vì nước Thái đã vượt lên, bỏ qua liên minh với đảng Tiến bước, bắt tay với 10 đảng khác bao gồm hai đảng đối lập ủng hộ quân đội và đi đến chiến thắng ngày hôm nay.
Khó khăn trước mắt
Khi lãnh đạo đất nước Thái Lan, ông Srettha và đảng Vì nước Thái sẽ phải thực hiện các cam kết khi tranh cử. Nhóm đối lập mạnh mẽ do Đảng Tiến bước dẫn đầu sẽ theo dõi sát sao những sự xung đột lợi ích từng là nỗi ám ảnh của chính quyền do đảng Vì nước Thái dẫn đầu dưới thời ông Thaksin và bà Yingluck năm xưa.
Thực tế, khi ông Srettha nổi lên là ứng viên Thủ tướng hàng đầu, công ty Sansiri ông từng lãnh đạo bị cáo buộc có hành vi gian dối để trốn thuế bất động sản với ít nhất 500 triệu bath cho một lô đất.
Các nhà phê bình cũng cáo buộc Xspring – công ty công nghệ tài chính ông Srettha từng làm Giám đốc – có thể sẽ được hưởng lợi khi Thái Lan thực hiện chính sách ví điện tử 10.000 baht mà đảng Vì nước Thái đề ra.
Song đến nay, cả hai doanh nghiệp trên đều bác bỏ mọi cáo buộc kể trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận