Biểu tượng công lý được đồng thuận cao
Ngày 27/4, trao đổi với Báo Giao thông xung quanh việc lựa chọn nhân vật vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý, xét xử và việc TAND tối cao đang dự định xây tượng trên toàn hệ thống tòa án, ông Ngô Tiến Hùng - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của TAND Tối cao cho biết: "Chúng tôi cũng nắm được thông tin hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. TAND Tối cao sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để báo cáo Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông - nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam xem xét, quyết định".
Theo ông Hùng, việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được triển khai thực hiện từ 2 năm trước.
TAND Tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện Trần Nhân Tông Đại học Quốc gia Hà Nội…
TAND Tối cao cũng đã tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu tham dự đối với 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu. Kết quả, 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Từ cơ sở đó, TAND Tối cao đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống TAND đối với các nhân vật lịch sử; kết quả, 82% ý kiến đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ quan này đã ban hành văn bản xin ý kiến các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền Thông, Bộ Tư pháp… về nội dung này và đều nhận được ý kiến đồng thuận cao.
Người phát ngôn TAND Tối cao khẳng định, việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam bảo đảm tính khách quan, thận trọng và có tác dụng khẳng định truyền thống thượng tôn pháp luật đã có từ lâu đời, cũng như tôn vinh những cống hiến của bậc tiền nhân là vị vua anh minh đã đóng góp vào trị vì đất nước… Thực tế, có gần 100 nước đã lựa chọn biểu tượng công lý, trong đó nhiều nước lựa chọn các vị vua làm biểu tượng công lý.
Không bắt buộc dựng tượng tại tất cả các cấp tòa
Trước thông tin việc xây dựng tượng trên toàn hệ thống tòa án sẽ gây lãng phí, tốn kém, ông Ngô Tiến Hùng cho rằng, sau khi Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn mẫu tượng, bức tượng được đặt tại Quảng trường Công lý - thuộc dự án Trụ sở TAND Tối cao mới (số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở TAND Tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, một số TAND địa phương có đề xuất xây dựng tượng tại trụ sở tòa án nhưng nội dung này TAND Tối cao không có chủ trương.
“Việc lựa chọn vua Lý Thái Tông - nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam để xây dựng tượng đặt tại trụ sở mới của TAND Tối cao đã bảo đảm các quy định tại Nghị định số 113/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TAND Tối cao nằm trong khuôn viên của trụ sở TAND Tối cao cũ đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia sẽ là công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật, mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước”, ông Hùng cho hay.
Trước đó, TAND Tối cao có Văn bản 141 lấy ý kiến của các thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án về mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Văn bản có nêu ngày 5/2/2020, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
TAND Tối cao nêu 5 lý do chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này, như vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…
Dự kiến, nếu được thông qua tượng “công lý” được đúc bằng đồng đỏ, kích thước chiều cao của tượng đặt tại trụ sở TAND là 5,3m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận