Người có tiền sử gia đình, bệnh nhân tim bẩm sinh cần chủ động đi khám để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Ảnh: Tạ Tôn |
Mới phát hiện đã suy tim
Cách đây chừng ba tháng, anh Nguyễn Ngọc Anh (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) buộc phải nhập viện vì có biểu hiện mệt mỏi, đặc biệt tần suất đau ngực tăng dần… Anh Ngọc Anh cho biết: “Từ trước đến giờ anh chưa khi nào phải đến viện, sức khỏe khá ổn định. Thời gian trước cũng có đợt ho kéo dài nhưng mình chỉ xúc miệng nước muối, tự uống vài viên thuốc, thấy đỡ nên cũng không đi khám. Đâu ngờ, đến viện bác sĩ đã chẩn đoán có dấu hiệu suy tim mà nguyên nhân do tăng áp động mạch phổi âm thầm phát mà không hay biết”.
May mắn hơn, anh Võ Hoài Nam (Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại phát hiện sớm bệnh tăng áp động mạch phổi nhờ đi khám sau một đợt ho kéo dài. Tuy nhiên, qua hai lần khám tìm nguyên nhân, bác sĩ đã phát hiện căn nguyên là do anh mắc thông liên nhĩ bẩm sinh. “Lúc bác sĩ tìm ra nguyên nhân mình cũng bất ngờ vì chính mình không biết bị mắc căn bệnh này. Về hỏi bố mẹ thì các cụ bảo ngày nhỏ cũng đã từng cho mình đi khám tim nhưng rồi cũng lãng quên đi”, anh Nam cho biết. Trường hợp của anh Nam được các bác sĩ khuyến cáo, cần khám và điều trị sớm căn nguyên từ bệnh tim bẩm sinh. Nếu không sớm dứt điểm thì nguy cơ biến chứng của tăng áp động mạch phổi dẫn đến suy tim rất cao.
Theo Ths. Nguyễn Minh Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, tăng áp động mạch phổi ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi có triệu chứng rõ ràng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Đáng lưu tâm là các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như: Khó thở, đau ngực, mệt, phù chân, ngất, ho ra máu… “Điều đáng nói, căn bệnh tăng áp phổi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ sơ sinh tới người cao tuổi tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh”, BS. Hùng cho biết.
Cũng theo BS. Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng áp động mạch phổi như: Vô căn (hay tăng áp động mạch phổi nguyên phát) hoặc có tính chất di truyền gia đình. Có trường hợp mắc khi phối hợp với một số bệnh lý như tim bẩm sinh có luồng thông trái phải: Thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch…, HIV, ngộ độc thuốc hoặc phối hợp với bệnh lý tĩnh mạch và mao mạch.
Tăng áp phổi có nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo cảnh báo của Ths. Nguyễn Minh Hùng, bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì thường có tiên lượng rất nặng và có các biến chứng như: Suy tim, gây nhồi máu phổi, nếu có hẹp hay tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong; Hay chứng loạn nhịp tim, ho máu cùng với chảy máu trong phổi… Các biến chứng này đều có nguy cơ dẫn đến tử vong kể cả các khi bệnh nhân đang nằm viện.
PGS. TS. Trương Thanh Hương, Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai cho biết, để sớm sàng lọc và điều trị bệnh nhằm phòng ngừa biến chứng “khủng” do tăng áp phổi gây ra, người bệnh nên đi khám khi có những dấu hiệu điển hình như: Khó thở mà không có triệu chứng đặc hiệu của bệnh tim/phổi, hoặc ở bệnh nhân có sẵn bệnh tim/phổi nhưng khó thở tăng lên mà không giải thích được; Mệt mỏi, yếu cơ, đau ngực, ngất, chướng bụng khó tiêu; Bờ trái xương ức nhô cao, tiếng tim T2 mạnh ở đáy tim, tiếng thổi ở tim, gan to, phù chi…
“Đặc biệt lưu ý đến nhóm đối tượng mắc tăng áp động mạch phổi nguy cơ cao cần chủ động đến khám sớm để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Nhóm này bao gồm những người có tiền sử gia đình có người bị tăng áp phổi; Bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh; Bệnh nhân có bệnh hệ thống như xơ cứng bì, lupus ban đỏ hay có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan. Và cuối cùng là bệnh nhân nhiễm HIV”, BS. Hương khuyến cáo và cho biết, với những bệnh nhân có dấu hiệu hoặc thuộc nhóm nguy cơ mắc tăng áp động mạch phổi cần sớm đến khám tại chuyên Khoa Tim mạch để được chẩn đoán đầy đủ và có phác đồ điều trị phù hợp.
Dự kiến thành lập CLB bệnh nhân tăng áp động mạch phổiTheo PGS.TS. Trương Thanh Hương, tăng áp phổi là một biến chứng rất thường gặp ở bệnh tim bẩm sinh, nhất là tim bẩm sinh ở người lớn và nhiều bệnh lý ở các chuyên khoa khác. Tuy nhiên, hiện chưa có những chương trình sàng lọc để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tư vấn bệnh cũng như thiếu thốn thuốc điều trị đặc hiệu. Để hỗ trợ bệnh nhân cách phòng bệnh, phát hiện sớm, cách chăm sóc và những điều cần phải tránh để có được chất lượng sống tốt nhất, sự ra đời CLB bệnh nhân tăng áp động mạch phổi là cần thiết. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận