Giám sát đối tượng mua nhà xã hội trong suốt quá trình sử dụng
Tại toạ đàm "Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội" do Báo Thanh niên tổ chức sáng nay 31/5, nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, tránh trục lợi nhà ở xã hội đã được đưa ra. Dẫn chứng là việc nhiều đối tượng môi giới chèo kéo, bán chênh NHS Trung Văn hàng trăm triệu đồng mỗi căn; hay tình trạng nhiều người đi xe sang tiền tỷ đi bốc thăm nhà ở xã hội.
Toạ đàm Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội do Báo Thanh niên tổ chức
Trả lời nội dung này, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trình tự thủ tục, tiếp nhận hồ sơ mua nhà thuộc trách nhiệm chủ đầu tư. Việc sàn giao dịch, rao mua bán chênh là hành vi bị cấm.
Theo ông Thành, Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thực hiện nghiêm túc, công khai, công bằng. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ nhất quyết thu hồi.
Sở Xây dựng cũng đã ban hành quy định bán, cho thuê nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, thành lập tổ giám sát cộng đồng có sự tham dự của người mua nhà. Khi nhà ở xã hội bàn giao, ban quản trị toà nhà, chính quyền địa phương phát hiện nhà ở xã hội bán, cho thuê không đúng mục đích, đối tượng nhà trục lợi chính sách, sẽ vẫn thực hiện thu hồi.
Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng cổng thông tin đối tượng mua nhà ở xã hội. Khi đưa vào sử dụng, sẽ đẩy lên đó thông tin về đối tượng mua nhà ở xã hội được các địa phương xét duyệt. Qua đó có thể kiểm tra, minh bạch thông tin về đối tượng thụ hưởng chính sách.
Cần rút ngắn thời gian đầu tư
Tại buổi toạ đàm, kết quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua được đánh giá cao. Riêng tại Hà Nội, ông Bùi Tiến Thành cho biết, kết quả rà soát, Hà Nội triển khai 50 dự án với tổng diện tích trên 3 triệu m2 sàn. Giai đoạn 2021-2025 Hà Nội dự kiến triển khai 22 dự án. Giai đoạn 2026-2030 triển khai 18 dự án khoảng 2 triệu m2 sàn. Hiện nay, Hà Nội ngoài phát triển các dự án nhà ở xã hội nằm trong các dự án thương mại, cũng đã có thêm một số dự án nhà ở xã hội tập trung độc lập.
Dù vậy, quá trình phát triển vẫn có nhiều tồn tại, triển khai chậm, thiếu quỹ đất. Để giải quyết những vướng mắc trên, ông Hà Quang Hưng cho biết, Bộ Xây dựng đã tiếp thu và nhóm khó khăn thành các nhóm đối tượng, từng bước gỡ vướng. Dù vậy, ông Hưng vẫn cho rằng, tăng nguồn cung vẫn là cách giải quyết tận gốc vấn đề, đảm bảo đời sống cho người dân, giảm tình trạng chèo kéo, trục lợi nhà ở xã hội.
Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư nhà ở xã hội. Theo ông Thành, mất thời gian 2 năm để hoàn thành thủ tục xây dựng nhà ở xã hội là quá dài, nên bãi bỏ những thủ tục không cần thiết. Bên cạnh đó cần giải quyết vướng mắt liên quan đến đất công nằm trong ranh giới dự án để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, cần đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đồng thời, thay đổi tư duy về tiền lương. Theo ông Võ, chúng ta vẫn có tư duy, giới hạn thu nhập thấp để thu hút đầu tư. Nhưng giờ quan điểm đó không còn phù hợp. Cần thay đổi, nâng lương lao động lên cao hơn để có tiền chi trả cho chỗ ở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận