Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho biết, hội thảo nhằm thúc đẩy mối quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới" giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Đây cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia trong lĩnh vực logistics giữa hai nước trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt trong phát triển chuỗi cung ứng lạnh.
"Sự kiện là cơ hội để các cơ quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics của Việt Nam và Nhật Bản cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và các biện pháp của hai nước trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng lạnh", bà Thúy nhận định.
Theo ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hệ thống chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện đang được đầu tư, phát triển.
Chuỗi cung ứng lạnh từ các kho hàng, cảng biển, công ty logistics hiện được đầu tư lớn. Khung pháp lý và các chính sách đều đã đáp ứng các nhu cầu và điều quan trọng hiện tại là các doanh nghiệp cần có phương hướng để đồng hành cùng chính sách, đưa chính sách vào đời sống.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, điểm yếu nhất trong việc phát triển hệ thống logistics hiện nay là hạ tầng vận tải khi có hiện tượng mất cân bằng các phương thức vận tải.
Đối với việc kết nối logistics trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện VLA cho biết, các trung tâm logistics cho nông nghiệp còn thiếu, nghèo nàn, chỉ có khoảng 10% được nâng cấp. Trong khi đó, thị trưởng logistics cho nông nghiệp của Việt Nam lại có nhiều tiềm năng vì Việt Nam là đất nước phát triển mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp.
"Do đó, các doanh nghiệp cần tham gia và thúc đẩy mạnh hơn các chính sách của quốc gia, phát triển logistics gắn với nông nghiệp, đặc biệt là những khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long", ông Dũng nhấn mạnh và đề xuất trong việc phát triển logistics và chuỗi cung ứng lạnh, Việt Nam có thể được các Nhật Bản hỗ trợ trong việc xây dựng chính sách, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường...
Chia sẻ về công tác chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng lạnh tại thị trường Việt Nam, ông Lê Minh Phụng – Giám đốc kinh doanh Công ty AJ Total Vietnam thông tin, trước năm 1998, các kho lạnh ở Việt Nam rất nhỏ, chủ yếu xây dựng trên nền tảng của các công ty thủy sản. Các kho lạnh được vận hành đơn giản, chất lượng kém, giá cao, không minh bạch.
Tuy nhiên sau đó, hệ thống kho lạnh của Việt Nam ra đời và nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn cho hệ thống này.
Các phần mềm số hóa cũng ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu để phát triển kho lạnh, từ việc kiểm soát nhiệt độ bằng hệ thống điều khiển từ xa, phần mềm tự động cảnh báo nếu nhiệt độ bị biến động...
"Nhờ quá trình ứng dụng công nghệ, công tác bảo trì, bảo dưỡng kho lạnh cũng kịp thời hơn nhờ hệ thống giám sát từ xa", ông Phụng chia sẻ.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng tham gia thuyết trình, giới thiệu kinh nghiệm trong việc phát triển, vận hành và tối ưu hóa chuỗi cung ứng lạnh.
Trong đó, ông Higuchi, đại diện phòng marketing Công ty Asahi Kasei - doanh nghiệp chuyên sản xuất và buôn bán các nguyên vật liệu trong vận tải, cung cấp các giải pháp liên quan tới bao vận chuyển khẳng định, việc phát triển chuỗi cung ứng lạnh luôn có nhiều khó khăn như chi phí cao, công nghệ bảo quản lạnh, lái xe phải làm việc trong thời gian dài...
"Trong khi đó, Việt Nam là đất nước có độ ẩm cao. Việc bảo quản sản phẩm, quản lý nhiệt độ trong môi trường khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam khá phức tạp", ông Higuchi nói và cho biết, để giải quyết những vấn đề là bài toán mà các doanh nghiệp cần phải sáng tạo, tìm ra những sản phẩm đáp ứng các điều kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận