Đây là hoạt động được tổ chức thường niên, nhằm mục đích trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới giữa các nước châu Á, với thành viên chính là các nước ASEAN.
Với gần 200 đại diện của các cơ quan quản lý các hiệp hội và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xe cơ giới, tới từ 14 quốc gia tại khu vực châu Á, Hội nghị tổ chức tại Việt Nam lần này có hai phiên. Phiên thứ nhất là cuộc họp giữa đại diện cơ quan quản lý của các nước trong lĩnh vực quản lý chất lượng xe cơ giới. Phiên thứ hai là diễn đàn công tư giữa đại diện cơ quan quản lý với các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm cập nhật thông tin mới nhất về lĩnh vực quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
Phát biểu khai mạc phiên chính thức, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi Trường, Bộ GTVT cho biết, thời gian vừa qua, với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xe cơ giới. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về báo cáo thử nghiệm các sản phẩm linh kiện và hệ thống xe cơ giới (APMRA)
Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp định về việc chấp thuận các quy định kỹ thuật thống nhất đối với xe cơ giới và các thiết bị, phụ tùng có thể được lắp và/hoặc sử dụng trên xe cơ giới và các điều kiện để công nhận lẫn nhau về phê duyệt/chứng nhận được cấp trên cơ sở các quy định của Liên hợp quốc- Hiệp định UNECE 1958.
Nhấn mạnh Hội nghị công - tư khu vực châu Á là diễn đàn quan trọng góp phần thúc đẩy đối thoại về các vấn đề an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác vì sự ổn định ở khu vực, ông Hà chia sẻ thông điệp: "Hội nghị lần này sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thực hiện một tầm nhìn mới về quan hệ đối tác giữa các quốc gia thành viên trong khu vực có khả năng thích ứng cao hơn đối với những thay đổi nhanh chóng của thế giới".
Đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản, ông Takashi NAONO cho biết, mục tiêu của Hội nghị năm nay nhằm tập trung chia sẻ thông tin về: Cách thức thực hiện các quy chuẩn về xe cơ giới của Diễn đàn thế giới của Liên hợp quốc về hài hoà các quy định đối với các phương tiện giao thông đường bộ (WP 29) tại mỗi quốc gia; nội luật hóa các quy định quốc tế về quy chuẩn kỹ thuật; vai trò và tương lai của WP 29.
Đặc biệt tại khu vực châu Á, trong năm nay đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể đối với hoạt động hài hòa hóa các quy định trong WP 29, điển hình là việc Philippines và Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp định UNECE 1958. Do đó, đây cũng là cơ hội quý giá để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực thi Hiệp định UNECE 1958 tại mỗi quốc gia.
Chia sẻ về diễn đàn WP 29, ông Takashi NAONO - hiện đang đảm nhận vị trí Phó chủ tịch của Diễn đàn cho biết, tới nay đã có khoảng 67 nước tham dự và con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
"Điều này chứng tỏ diễn đàn ngày càng có vai trò quan trọng. Khi tham gia vào diễn đàn này, các thành viên sẽ có cơ hội biến tiềm năng phát triển ngành công nghiệp xe cơ giới của mình thành hiện thực; đồng thời được tạo thuận lợi thương mại trong giao thương. Và tôi hi vọng Châu Á sẽ góp tiếng nói ngày càng mạnh mẽ vào diễn đàn toàn cầu này nhằm thúc đẩy chất lượng an toàn xe cơ giới, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông và phát triển giao thông xanh", ông Takashi NAONO nói.
Với tư cách là đơn vị đồng tổ chức, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định Hội nghị lần này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác và chia sẻ trong lĩnh vực quản lý giao thông nói chung và ngành công nghiệp sản xuất xe cơ giới, công tác hài hòa về tiêu chuẩn, hệ thống chứng nhận/ thử nghiệm trong lĩnh vực xe cơ giới nói riêng.
Cũng trong dịp này, các đại biểu sẽ tham gia buổi tham quan kỹ thuật tại nhà máy của Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh VinFast- lá cờ đầu, tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực giao thông xanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận