Sân bay Tân Sơn Nhất |
Tăng cường năng lực khai thác tại sân bay, TCT Quản lý bay VN (VATM) triển khai áp dụng phương thức cất cánh tại giao điểm đường cất/hạ cánh (CHC) và đường lăn theo yêu cầu của tổ lái tại các cảng hàng không đủ điều kiện như: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
VATM cũng phối hợp với Cục Hàng không VN xây dựng và sửa đổi theo thực tế phương thức khai thác 2 đường CHC song song tại các sân bay có mật độ và lưu lượng hoạt động bay cao như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất nhằm nâng cao khả năng linh hoạt tăng, giảm giãn cách giữa các tầu bay đi và đến dẫn đến thúc đẩy luồng hoạt động hay một cách nhịp nhàng hơn qua đó cải thiện đáng kể tần suất CHC.
Đặc biệt, từ 14/8, VATM thực hiện thử nghiệm khai thác quản lý luồng không lưu phân phối đa điểm nút (Distributed Multi-Nodal ATFM Operational Trail) mức 2 giữa Việt Nam và Singapore. Chương trình được xây dựng trên kịch bản thử nghiệm hàng tuần áp dụng cho các chuyến bay của TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) khởi hành từ sân bay Nội Bài đến sân bay Changi (Singapore). Tham gia kế hoạch thử nghiệm có sự phối hợp chặt chẽ của các bên có liên quan, bao gồm: VATM, Vietnam Airlines và TCT Cảng hàng không VN. Trung tâm Quản lý luồng không lưu thuộc VATM là đơn vị thường trực, đầu mối phối hợp với các bên liên quan của Việt Nam và cơ sở ATFM của Singapore.
Luồng không lưu sẽ được quản lý dựa trên một tập hợp các nguyên tắc chung thống nhất giữa các bên liên quan tham gia. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (VATM) và các nhà khai thác sân bay (ACV và đơn vị quản lý sân bay Changi), các bên sử dụng vùng trời liên quan (Vietnam Airlines) sẽ quản lý nhu cầu và năng lực thông qua việc điều chỉnh thời gian hạ cánh tính toán, từ đó xác định thời gian cất cánh tính toán phân bổ cho tàu bay trước khi cất cánh từ sân bay khởi hành. Đơn giản hơn, các bên liên quan sẽ tính toán sao cho khi tàu bay đã cất cánh là có thể hạ cánh đúng giờ, không phải bay chờ hạ cánh. Hay nói cách khác, tàu bay sẽ chờ “nguội” ở sân bay đi thay vì bay chờ hạ cánh trên trời ở sân bay đến.
“Chương trình này cũng giúp cân bằng nhu cầu và năng lực bằng cách áp dụng thời gian cất cánh tính toán đối với các chuyến bay trước khi khởi hành sẽ giảm thiểu được việc tàu bay phải bay chờ trên không mà thay vào đó tàu bay sẽ thực hiện trì hoãn tại mặt đất”, lãnh đạo VATM nói và cho biết thêm: Điều này mang lại lợi ích đáng kể cho tất cả các bên tham gia như: Nâng cao năng lực, an toàn bay; giảm chi phí khai thác, giảm khí thải CO2 và giảm khối lượng công việc cho cả người lái và kiểm soát viên không lưu.
Sau khi thử nghiệm triển khai thành công nút Nội Bài - Changi, VATM sẽ tổng kết đánh giá và từ đó đưa ra lộ trình tiếp theo dưới sự chỉ đạo của Cục Hàng không VN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận