Tăng cường hiểu biết của công chức, viên chức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hôm nay (13/9), Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Cục Hàng không VN, trường Cán bộ quản lý GTVT tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tập huấn công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập cá nhân.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN nhấn mạnh, thời quan qua Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng ủy, Cục Hàng không VN đã quán triệt, triển khai thực hiện các văn kiện, nghị quyết, văn bản pháp luật đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc cục; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành nhiều văn bản triển khai.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các văn kiện, văn bản của các cấp ủy Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kê khai tài sản, thu nhập còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Biện pháp phòng, ngừa tham nhũng; phương pháp, cách thức kiểm tra, giám sát, phát hiện về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn chưa hiểu đầy đủ chức trách nhiệm vụ, còn đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.
"Do đó, thông qua hội nghị hôm nay, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiểu biết hơn các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về kê khai, xác minh tài sản thu nhập và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kê khai tài sản, thu nhập cá nhân", ông Thắng nói.
Thông tin, quán triệt các nội dung cần triển khai trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện "3 đột phá chiến lược" tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển...
Hàng năm, Bộ GTVT được Nhà nước giao khối lượng vốn lớn. Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là cơ quan trực tiếp thực hiện các dự án. Với đặc thù này, các lĩnh vực do Bộ GTVT quản lý có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng.
Thời gian vừa qua, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và nỗ lực, cố gắng của ngành GTVT. Có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác tự phòng ngừa, tự phát hiện tham nhũng chưa tốt; công tác tuyên truyền, giáo dục còn chưa thực chất; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ.
Nhận diện nguy cơ để xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát
Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới được triển khai đồng bộ, hiệu quả, Chánh Thanh tra Bộ GTVT nhấn mạnh, các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn với công tác kiểm tra của Đảng. Phải nắm bắt, nhận diện những vấn đề tiềm ẩn để chấn chỉnh và xây dựng kế hoạch kiểm tra; tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất.
Cùng đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách; quy trình, quy định nội bộ để khắc phục sơ hở, chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm khi không kịp thời nhận diện, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác tư tưởng; quán triệt văn bản về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao chất lượng kiểm tra, sau kiểm tra phải kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, cảnh báo chung.
Tham dự hội nghị, các đại biểu được quán triệt các văn bản, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Nghị quyết số 50 của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT về tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Quyết định 1504 của Bộ GTVT phê duyệt đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 20230".
Tiếp đó là chuyên đề: Nhận diện, phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực và một số tồn tại, sai phạm thường xảy ra được phát hiện, xử lý qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ; bài học rút ra đối với các đơn vị, doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận