Chiều 1/6, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định tăng cả giá xăng và dầu theo chu kỳ.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, lên mức 30.235 đồng/lít; Giá xăng RON 95 cũng tăng 921 đồng/lít, lên ngưỡng 31.578 đồng/lít. Như vậy, đây là mức tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 11 của mặt hàng này chỉ trong nửa đầu năm 2022. Giá xăng tiếp tục phá đỉnh lịch sử.
Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh tăng khá mạnh. Giá dầu DO 0,05s-II tăng 841 đồng/lít, lên mức 26.394 đồng/lít; Dầu hoả tăng 941 đồng, lên mức 25.346 đồng/lít; Dầu mazut tăng 303 đồng, lên mức 20.901 đồng/lít.
Giá xăng tăng lần thứ 5 liên tiếp, tiếp tục lập đỉnh lịch sử
Trong kỳ điều chỉnh lần này, xăng RON95 và RON92 không thực hiện trích lập, giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg).
Đồng thời, thực hiện chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi Quỹ BOG.
Các chuyên gia cho rằng, cách khả thi nhất hiện nay là giảm thuế để giữ đà tăng không tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Bởi lẽ, hiện mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải “cõng” hơn 40% thuế và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON 95, xăng sinh học E5 RON 92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng - VAT 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900-2.000 đồng. Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, trong các sắc thuế trên, việc giảm thuế sẽ tương ứng với từng mục tiêu, từng mức độ tăng giá.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu để ít tác động đời sống người dân, thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (dầu không có sắc thuế này) là cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng nên cân đối giảm thuế nhập khẩu. Song, cần tính toán việc “ảnh hưởng đến bù giá cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn”.
"Có nên giảm hết 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại và thuế VAT?", ông Bảo nói: “Không nên!. Nhưng cũng có thể cân nhắc khi đã sử dụng hết công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu...”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận