Đường bộ

Tăng giá cước, doanh nghiệp taxi có "té nước theo mưa"?

18/03/2022, 14:43

Nhiều doanh nghiệp vận tải taxi đã tăng giá cước với mức tăng trung bình 15% để đối phó với áp lực từ tăng giá xăng dầu.

Ngày 17/3, Sở GTVT Hà Nội cho biết đã có 12/15 doanh nghiệp taxi trên địa bàn đăng ký lại giá cước. Trong đó có 5 doanh nghiệp đăng ký lại giá cũ, không tăng giá; 6 doanh nghiệp taxi khác tăng giá từ 5 - 12%.

Theo các doanh nghiệp vận tải, việc tăng giá cước vận tải lần này là do sức ép của các đợt giá xăng dầu liên tiếp tăng.

img

Giá xăng dầu tăng cao buộc doanh nghiệp taxi phải tăng giá cước - Ảnh minh họa

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, các hãng taxi, xe hợp đồng hiện phải tăng giá cước 10 - 15%, tương đương tăng 1.000 - 2.000 đồng mỗi km, có thể tăng hơn nữa theo tình hình xăng dầu thế giới.

Cho biết, doanh nghiệp đã tăng giá cước 2.000 đồng/km, từ 11.500 đồng lên 13.500 đồng, ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho hay, mức tăng này tương đương khoảng 18% so với giá cũ.

Lý giải cho việc tăng giá cước lần này, ông Long phân tích, hiện nay giá xăng dầu đã tăng hơn 45% so với năm 2019, kéo theo đó là tăng các nhiêu liệu phụ khác. Bên cạnh đó, so với năm 2019, lương tối thiểu cũng đã tăng từ 4,4 triệu đồng lên 4,7 triệu đồng, tương đương khoảng 5%.

Chỉ tính riêng hai yếu tố đầu vào cơ bản là xăng và lương đã tăng khoảng 52% so với năm 2019. Lúc này, giá cước phải tăng khoảng 26% mới đủ bù đắp cho hai loại chi phí, chưa nói đến nhiều loại chi phí khác trong khi lần này, doanh nghiệp mới tăng giá cước 18%.

Việc tăng giá cước của doanh nghiệp phù hợp với hiện tại và đã tính toán cả đến yếu tố sau ngày 1/4 khi Chính phủ giảm thuế môi trường 2.000 đồng mỗi lít giá xăng dầu. Mức giảm này là phù hợp, giúp doanh nghiệp bù đắp chi phí.

Từ ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử. Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. Đây là các mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Việc giá xăng dầu tăng "sốc" bắt buộc doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước. Doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu thị trường và tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở các yếu tố đầu vào. Việc tăng giá ở mức thị trường chấp nhận được, tăng cao quá sẽ bị khách hàng tẩy chay.

"Doanh nghiệp phải làm hồ sơ kê khai, trong đó phân tích cơ cấu giá, từng khoản mục phí tăng bao nhiêu, ảnh hưởng đến đến giá cước như thế nào? Trên cơ sở này, doanh nghiệp mới quyết định tăng giá bao nhiêu để phù hợp, sau đó thông báo cho cơ quan quản lý là sở GTVT. Mỗi lần tăng mất nhiều thời gian và chi phí nên khó xảy ra tình trạng "té nước theo mưa", ông Long nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám Đốc Công ty Taxi Nguyên Minh cho biết, doanh nghiệp đã tăng giá cước 1.000 đồng/km. Đây là mức khá thấp, có nhiều doanh nghiệp tăng từ 2.000 đến 2.500 đồng/km.

Mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp taxi thường rất thận trọng. Tùy theo quy mô, các yếu tố đầu vào và tiết kiệm chi phí vận hành các chủ doanh nghiệp quyết định mức tăng giá cước.

Cực chẳng đã doanh nghiệp mới phải điều chỉnh giá cước. Mỗi lần thay đổi mất nhiều thời gian và chi phí. Khi điều chỉnh phải tập hợp xe về, tháo dỡ đồng hồ để cài đặt thay đổi biểu cước và kiểm định lại đồng hồ tính tiền.

“Trong điều kiện dịch bệnh, chưa tăng giá thì đã không có khách nhưng không tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Hiện doanh nghiệp đang phải bù lỗ cho giá thành. Nếu không tăng giá cước doanh nghiệp sẽ không còn sức để bù đắp chi phí”, ông Minh nói.

Trước đó, Grab - hãng gọi xe có quy mô lớn nhất ở Việt Nam thông báo tăng cước tất cả dịch vụ từ 10/3 để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước tới nay.

Ở khu vực phía Nam, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Vinasun taxi cho hay, doanh nghiệp đã chuẩn bị xong các thủ tục để tăng giá cước, từ lần tăng giá trước đến nay giá xăng đã tăng 22%, trong khi đó giá nhiên nhiệu cấu thành giá cước chiếm tới 35%. Doanh nghiệp sẽ tăng bình quân 1.000 đồng trên mỗi km, tương đương với tăng 6,6% là phù hợp với biến động giá xăng dầu.

“Chi phí đầu vào có nhiều yếu tố nhưng riêng đối với nhiên liệu tăng hoặc giảm vượt ngưỡng 10% thì các doanh nghiệp chủ động khai báo thay đổi giá cước tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ khi tăng giá cước để khách hàng chấp nhận được”, ông Hỷ cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.