Kinh tế

“Tăng giá điện, dịch vụ y tế làm sao để dân chấp nhận được”

08/11/2016, 21:43
image

Việc điều chỉnh giá của bất cứ mặt hàng nào cũng có thể lập tức ảnh hưởng đến người dân.

DB Hoang Quang Ham tra loi pv (1)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Hoàng Quang Hàm trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội.

Vừa qua, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kinh tế-xã hội, ĐB Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh phải minh bạch hoá, tính đúng, tính đủ chi phí giá cả các hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước còn bao cấp.

Vị ĐB tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc điều chỉnh giá của bất cứ mặt hàng nào cũng có thể lập tức ảnh hưởng đến người dân, nên mỗi lần tăng giá cần có lộ trình phù hợp, làm sao vừa tiệm cận với giá cả thị trường, vừa đảm bảo sự phát triển bền vũng, và quan trọng nhất, khi tăng giá các dịch vụ phải làm sao để người dân chấp nhận được.

“Tôi lấy ví dụ như viện phí, nếu chi phí giường bệnh đang là 20.000 đồng/ngày mà nâng gấp 10 lần lên 200.000 đồng thì không ai chịu được. Việc tăng giá thực ra nó lộ trình rồi, nhưng cần xem với một lộ trình như thế có chấp nhận được không? Nó phải nằm trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, ông Hàm nói.

Trước thực trạng việc điều hành giá các loại dịch vụ, hàng hoá như viện phí, học phí, giá điện... hiện nay đang khó dung hòa vì nếu đưa giá lên thì dân kêu mà không đưa lên lại không thực hiện được giá thị trường, Nhà nước cũng không thể bao cấp mãi, TS Hoàng Quang Hàm cho rằng, quan điểm của Nhà nước là những người có thu nhập trung bình, cao thì có thể tự lo, còn người nghèo thì Nhà nước hỗ trợ, viện phí tăng thì người nghèo được bảo hiểm trả…

Lấy dẫn chứng về dịch vụ về y tế, ông Hàm cho rằng nếu thu đủ thì cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ lên, đó là điều chắc chắn. “Có những cơ sở y tế như Viện mắt Trung ương gần như bỏ hẳn bao cấp giá, chất lượng phục vụ được tăng lên vì nói chung, giờ cứ làm tốt là người ta đến”, TS Hàm dẫn chứng.

Bình luận về giá điện – một vấn đề được hầu hết người dân quan tâm, TS Hàm cho rằng nếu tăng chi phí tiền điện sẽ ảnh hưởng ngay đến đầu vào sản xuất, về sinh hoạt khu dân cư. Nếu không tăng tiền điện thì Nhà nước phải bù nên phải làm sao hài hoà lợi ích của người dân và Nhà nước, chứ không phải cứ nói tăng là tăng được.

“Điều chỉnh giá đương nhiên sẽ tác động đến người dân, nhất là người nghèo. Như tôi lên các vùng Tây Bắc, thấy nhiều hộ họ chỉ thắp điện một lúc rồi tắt. Với họ vài chục ngàn đã là lớn rồi”, ông Hàm chia sẻ và nhấn mạnh thêm, nếu điều chỉnh giá điện cũng phải tính đến vấn đề phát triển bền vững, không để giãn quá khoảng cách giàu nghèo, để người nghèo không bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.