Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo, từ hôm nay 4/5 chính thức tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% so với hiện hành (1.864,44 đồng/kWh). Mức tăng này ảnh hưởng ra sao đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân? PV Báo Giao thông đã phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
25 triệu hộ gia đình bị tăng tiền điện trung bình 12.000 đồng mỗi tháng
Ông đánh giá như thế nào về mức tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân?
Kết quả kiểm toán cho biết, giá thành điện năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021 mà giá điện chỉ tăng 3% là mức tăng khá thấp, chưa thực hiện được nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất điện.
Tuy nhiên, mức tăng này đã thực hiện được yêu cầu của thường trực Chính phủ là "việc điều chỉnh giá điện phải đảm bảo không giật cục, có lộ trình, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân".
Mức tăng giá như trên sẽ ảnh hưởng ra sao đến đời sống người dân, nhất là khi mùa nắng nóng đang đến gần?
Giá bán lẻ điện bình quân chung tăng 3% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, tức là tăng 56 đồng/kWh từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng.
Mức tăng này tuy không lớn, nhưng vẫn ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân khi mùa nắng nóng đã tới.
Nếu giá điện tăng 3% thì số tiền điện bình quân phải chi thêm của 25 triệu hộ tiêu dùng khoảng 12.000 đồng mỗi tháng. Trong đó, nếu hộ tiêu dùng 50 kWh/tháng phải chi thêm 2.550 đồng, nếu hộ tiêu dùng 400 kWh/tháng phải chi thêm 35.600 đồng/tháng.
Theo ông, cần thực hiện giải pháp nào để giảm tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến vào mùa nắng nóng, nhất là khi giá điện tăng đúng vào dịp này?
Chúng ta đang áp dụng biểu giá điện sinh hoạt thang 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Và đương nhiêu tiền điện sẽ phải trả nhiều hơn.
Mặt khác, những tháng nắng nóng, thông thường tiền điện tiêu thụ thường tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp 2 lần. Do đó, tiền điện tăng mạnh là không tránh khỏi kể cả lúc giá điện chưa tăng.
Vì thế, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này.
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn.
CPI bị tác động ra sao, cách nào kiểm soát?
Mức tăng giá điện trên tác động thế nào đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, và mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2023, thưa ông?
Mức tăng giá điện lần này sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%.
Nếu xem xét tác động đến giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện thì ngành thép sẽ tăng 0,18%, xi măng 0,45%, dệt may 0,4%...
Tuy nhiên, mức tăng thực tế có như vậy hay không, cao hay thấp hơn còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, của cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
Vâng, mức tăng không lớn, nhưng những lo ngại về việc “té nước theo mưa” vẫn đáng được lưu tâm. Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý như thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
Ngoài chính sách bình ổn giá, thì Nhà nước cũng cần nghiêm túc với việc công khai, minh bạch giá.
Trước hết, cần yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng Nhà nước định giá để tránh việc “giá điện tăng bao nhiêu thì ông tăng bấy nhiêu”.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận