Trường Tiểu học Nam Từ Liêm đã được công nhận trường chất lượng cao. |
Tới năm học 2018-2019, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) sẽ cao gấp 100 lần so với các trường công lập bình thường.
“Tiền nào của nấy”
Theo nghị quyết đã được thông qua, mức trần học phí mầm non, tiểu học chất lượng cao năm 2016 - 2017 là 3,9 triệu đồng, năm 2017 - 2018 là 4,3 triệu đồng; năm 2018 - 2019 là 4,7 triệu đồng và năm 2019 - 2020 là 5,1 triệu đồng/tháng. Học phí trần THCS, THPT theo các năm lần lượt là 4,1 triệu đồng, 4,5 triệu đồng, 4,9 triệu đồng; 5,3 triệu đồng/tháng.
Được biết, hiện tại học phí trường công chất lượng cao ở bậc mầm non trung bình 2,4 triệu đồng/tháng; tiểu học là 2,17 triệu đồng/tháng; THCS ở mức 2,4 triệu đồng/tháng; THPT ở mức 3,4 triệu đồng/tháng.
Thực tế, khi được hỏi về chất lượng giảng dạy tại các trường theo mô hình CLC, các bậc phụ huynh có con đang theo học ở những trường thuộc mô hình này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Chị N.T.T. (quận Nam Từ Liêm) cho biết, so với trường công bình thường, trường CLC có chi phí cao hơn hẳn, song cơ sở vật chất khang trang sạch sẽ hơn. “Chất lượng giảng dạy như thế nào thì phụ huynh như tôi cũng khó có thể biết được. Phải có thời gian trải qua môi trường giáo dục khác mới có thể đánh giá toàn diện. Còn con mình theo học từ lớp 1 ở đây, nếu bảo so sánh cũng khó. Chỉ thấy điểm khác biệt lớn nhất là con được học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài nên cũng yên tâm...”, chị T. cho biết.
Tại một trường mầm non đang thực hiện thí điểm CLC với mức học phí hơn 2 triệu đồng/tháng, PV lại nhận được hai luồng ý kiến trái chiều. Chị H., có con đang theo học lớp mẫu giáo 3 tuổi chia sẻ: “Cảm quan ban đầu là rất tốt, trường lớp sạch sẽ, cô giáo cũng rất nhẹ nhàng, còn dặn dò này nọ... Thế nhưng, ngay hôm đầu về đón con, mình gợi ý kể chuyện ở lớp thì bé kể với mẹ là cô giáo đánh bạn vì bạn nôn, mình sốc quá! Bao nhiêu công sức và hy vọng tìm được môi trường tốt cho con giờ thành vô vọng”. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, một phụ huynh khác cùng trường lại bày tỏ sự thông cảm cho áp lực của cô giáo trông trẻ. “Các cô cần nghiêm khắc để cho con nền nếp hơn, ăn uống tốt hơn, tự lập hơn...
Vấn đề chính là con mình đi học về thấy vui vẻ và thích đến lớp”. Về vấn đề học phí, vị phụ huynh cũng tỏ ra vui vẻ: “Mình thấy gửi trường khác mà lớp đông thì học phí rẻ hơn là đương nhiên rồi. Trong khi con mình học lớp ít trẻ hơn, chất lượng hơn, nhiều hoạt động hơn. Nói chung tiền nào của nấy thôi, kinh tế thị trường mà”.
Thu cao gấp 100 lần, chất lượng có tương xứng
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề xuất tăng học phí nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị trong những năm đầu khi được công nhận CLC có mức thu học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh. “Tăng học phí cũng tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên”, ông Độ lý giải.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh nhận định một cách hóm hỉnh: “Tôi chưa hiểu CLC là cao về cái gì nhưng xem ra thì cao về học phí là chắc chắn. Trường Lương Thế Vinh của tôi là trường tư thục, cũng chỉ thu học phí từ 1,5-1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với trường công lập CLC, nhà nước đã đầu tư hết cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy... mà sắp tới thu tới hơn 5 triệu đồng/tháng thì “tiêu” gì cho hết?”.
Hiện Hà Nội đã có 8 trường công lập được công nhận chất lượng cao và 4 trường khác đang trong quá trình thí điểm. 5 tiêu chí các trường CLC bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao. |
Theo nhà giáo Văn Như Cương, nếu so với mức học phí các trường công lập bình thường trung bình chỉ khoảng 40-50 nghìn đồng/tháng (học sinh tiểu học được miễn phí), thì mức thu của trường công lập CLC đang cao gấp khoảng 100 lần. “Tôi đọc con số này và rất ngạc nhiên khi thu nhập của đa phần người dân vẫn còn khó khăn, ngay cả có nhu cầu thực sự làm sao đủ điều kiện cho con mình theo học? Đó là chưa kể chủ trương của nền giáo dục nước ta đặt cao về chất lượng chứ không phải vì kinh doanh thu lợi nhuận”, PGS. Văn Như Cương nhận định.
Mặt khác, ở góc nhìn “sòng phẳng”, PGS. Văn Như Cương cũng đặt vấn đề: Thu phí cao gấp 100 lần vậy chất lượng giảng dạy tại trường CLC có gấp 100 lần, khi vẫn áp dụng cùng bộ sách giáo khoa, cùng tiêu chuẩn? “Tiêu chí CLC phải rõ ràng, cụ thể theo chương trình học, nếu không thì trường nào cũng có thể tự xưng CLC để tăng nguồn thu”, PGS Văn Như Cương kiến nghị.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Cần phải minh bạch cả về thu chi lẫn chất lượng giảng dạy tại các trường CLC. “Các tiêu chí phải đảm bảo sáng tỏ thế nào là CLC? Liệu có phải chỉ thuê vài ông “Tây” về dạy ngoại ngữ đã trở thành CLC?”, ông Nhĩ đặt vấn đề. Về mức thu học phí, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Khi đã lập ra mô hình đào tạo CLC thì cũng phải xét phù hợp với hoàn cảnh xã hội, để bất kể gia đình, học sinh nào có nhu cầu cũng có thể tham gia chứ không thể chỉ dành cho một số ít đối tượng con nhà có điều kiện mới được theo học.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận