Trong thời gian qua, nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, tàn phá kinh tế xã hội, phá hoại cạnh tranh công bằng và gây ảnh hưởng rất xấu đến quyền lợi của các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh chân chính. Nó cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, quyền lợi của nhân dân - người tiêu dùng.
Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, vấn nạn trên còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là thực phẩm, đồ ăn, đồ uống… giả, kém chất lượng gây nên những vụ ngộ độc trong thời gian qua.
Nhận thức rõ những vấn đề trên, lực lượng Quản lý thị trường cho biết, thời gian qua đã triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành có trọng tâm trọng điểm, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu và vi phạm an toàn thực phẩm trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tích cực kiểm tra và xử lý với tổng cộng 54.667 vụ được kiểm tra, trong đó phát hiện và xử lý 38.102 vụ vi phạm. Những con số này cho thấy sự quyết liệt trong việc kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đảm bảo sự ổn định cho thị trường trong nước.
Theo lực lượng Quản lý thị trường, những năm gần đây, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.
Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: Thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm... Các sản phẩm này không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh…
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Bộ trưởng đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tập trung triển khai 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc nâng cao đạo đức, chuyên môn cho cán bộ quản lý thị trường như:
Tập trung đào tạo, đào tạo lại với cán bộ về mặt nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ sử dụng công nghệ thông tin và khả năng đấu tranh với vi phạm trên thương mại điện tử.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.
Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương tại các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo, điều hành và khuyến nghị của các bộ, ngành hữu quan để triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công việc…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận