DN thủy sản, dệt may, da giày sẽ phải chịu tác động kép khi tăng mức đóng BHXH |
Doanh nghiệp lo lắng
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty Thuỷ sản Thuận Phước cho biết: Dù mới tính trên tiền lương danh nghĩa (tiền lương tối thiểu) nhưng tỷ lệ đóng BHXH hiện nay ở Việt Nam đã thuộc hàng cao nhất khu vực ASEAN. Cụ thể, DN phải đóng BHXH cho người lao động khoảng 24% và người lao động tự đóng 10,5%.
“Mức đóng như hiện nay đã là một gánh nặng cho DN. Với mức đóng BHXH mới kể từ đầu năm 2018, DN sẽ còn lao đao hơn, đặc biệt với nhóm thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thuỷ sản… Mặc dù chưa có tính toán cụ thể về chi phí đội lên khi áp dụng cách đóng BHXH mới nhưng sẽ là áp lực không nhỏ đối với DN hàng nghìn lao động như Thuận Phước”, ông Lĩnh nói.
14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH bao gồm: Các loại tiền thưởng; tiền ăn giữa ca, tiền hỗ trợ xăng xe, điện thoại; tiền hỗ trợ giữ trẻ; tiền hỗ trợ nhà ở; tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ; tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết; tiền hỗ trợ lao động có người thân kết hôn; tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động; tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… |
Bên cạnh gánh nặng đối với DN, ông Lĩnh cho rằng người lao động cũng chưa chắc được lợi khi nâng mức đóng BHXH. “Nhiều người có thể sẽ bị chuyển từ hợp đồng dài hạn sang hợp đồng thời vụ hoặc cộng tác viên… để lách luật, chưa kể bị sa thải khi DN quá khó khăn”, ông Lĩnh cảnh báo.
Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ,TB&XH, thông tin đóng BHXH được tính trên tổng thu nhập từ 1/1/2018 là không chính xác. Cụ thể, theo Thông tư số 59/2015 của Bộ LĐ,TB&XH, từ ngày 1/1/2018, BHXH bắt buộc đóng trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Quy định này có nghĩa chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định mới được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH. Tương tự, với khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động cũng không được tính đóng BHXH. Thông tư 59, Bộ LĐ,TB&XH đã liệt kê ra 14 khoản thu nhập không được tính vào đóng BHXH.
Trước những than vãn của DN về mức đóng BHXH mới, ông Giang dẫn kết quả khảo sát những năm gần đây cho thấy, hiện tiền lương làm căn cứ đóng BHXH ở các DN rất khác nhau: Nếu DN FDI đóng khoảng 80% tổng thu nhập thì DN tư nhân đóng chỉ khoảng 30% tổng thu nhập. “Trong khi Quốc hội yêu cầu DN đóng BHXH trên tổng thu nhập để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì mức tăng lần này vẫn còn tới 14 khoản loại trừ”, ông Giang nhấn mạnh. Cũng theo ông Giang với quy định mới, ở mỗi nhóm DN sẽ có mức tăng đóng BHXH khác nhau tùy mức phụ cấp lương và các khoản bổ sung.
DN nhiều lao động chịu tác động kép
Theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, khi quy định nền đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung thay vì chỉ là tiền lương như hiện nay, DN có thể giảm lao động chính thức.
“Kết quả nghiên cứu dự báo ảnh hưởng của việc tăng nền đóng BHXH lên cầu lao động và lợi nhuận của DN cho thấy, tỷ lệ lao động có tham gia BHXH ở doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 1,8% trong ngắn hạn và 5,2% trong dài hạn. Số lao động mất việc ở khu vực chính thức (bị sa thải hoặc chuyển thành lao động bán thời gian để không phải đóng các khoản bảo hiểm) tương ứng được dự báo là 131 nghìn và 371 nghìn người. Trong ngắn hạn, lợi nhuận của DN cũng có thể bị giảm sút ít nhất khoảng 7,6%. Tỷ lệ DN có lợi nhuận giảm đáng kể từ 54,7% xuống còn 32,8% doanh nghiệp có lợi nhuận” ông Tùng dẫn giải.
Ngay cả khi Bộ LĐ,TB&XH đã loại trừ 14 khoản thu nhập ra khỏi danh mục đóng BHXH, ông Tùng cho rằng vẫn còn bất cập. “DN sẽ dựa vào 14 khoản được loại trừ để lách luật nhằm giảm được mức BHXH. Tuy nhiên, 14 khoản này trên thực tế đều có hạn mức, không thể phân bổ các khoản khấu trừ này vượt quá hạn mức được. Dù DN có giảm được mức đóng BHXH nhưng lại bị tăng chi phí. Việc lách luật cũng dẫn đến nguy cơ hoạt động doanh nghiệp không minh bạch, có thể bị xử phạt”, ông Tùng phân tích.
Tương tự, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết: “Các nhóm DN thâm dụng lao động như: Thủy sản, dệt may, da giày… chắc chắn vẫn sẽ chịu tác động nhiều bởi họ chịu tác động kép vừa tăng lương tối thiểu vừa tăng mức đóng BHXH. Mức tác động cụ thể mà DN phải chịu như thế nào, thì ít nhất phải chờ tới tháng 6/2018, sau khi cân đối chế độ chính sách, quy mô sản xuất… mới đánh giá chính xác được. Song trong bối cảnh hiện nay nhiều DN cũng khó phát triển thành quy mô lớn do chí phí về lao động tăng cao”, bà Minh nhận định.
Về đánh giá người Việt Nam đang phải đóng BHXH ở mức cao nhất khu vực, bà Minh cho biết: “Mỗi một nước có đặc thù khác nhau, nhìn vào số liệu thống kê có vẻ tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. Song nếu bóc tách ra sẽ thấy, Việt Nam đang đóng gộp chung cả bảo hiểm ngắn hạn lẫn dài hạn, trong khi nhiều nước lại tách riêng từng loại nên có thể mức đóng ít hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận