Đường sắt

Tăng mũi thi công gia cố hầm đường sắt đèo Cả

23/04/2024, 08:46

Các mũi thi công tiếp tục được tăng cường để gia cố và hoàn thiện, đảm bảo an toàn kết cấu vỏ hầm, nâng dần tốc độ khai thác tàu qua hầm đường sắt Đèo Cả.

Tăng mũi thi công, kiên cố hóa hầm yếu

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngày 22/4, một ngày sau khi hầm Bãi Gió (khu vực qua hầm đường sắt đèo Cả, Vạn Ninh, Khánh Hòa) thông tuyến sau sạt lở, các đơn vị chức năng, nhà thầu tập trung hót dọn, nâng dần tốc độ tàu lưu thông qua hầm. Ngay phía trên vị trí sụt lún, các công nhân bơm vữa vào các lỗ khoan 23m để bịt kín các khoảng hổng do quá trình sụt lở trước đây gây ra.

Tăng mũi thi công gia cố hầm đường sắt đèo Cả- Ảnh 1.

Công ty CP Sông Đà 10 thi công khoan neo xử lý sự cố trong hầm đường sắt qua đèo Cả.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85, ngày 12/4, ngay khi phát sinh sụt lún hầm Bãi Gió, các đơn vị đã khẩn trương vào cuộc xử lý, tăng cường hót dọn và gia cố vỏ hầm. Tuy nhiên, sau đó lại phát sinh sạt lở ở vị trí đã được xử lý do địa chất bên trên lớp vỏ hầm có kết cấu yếu.

Lập tức, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị lập tổ chỉ huy tiền phương, tổ công tác của Bộ cùng với các chuyên gia, đơn vị họp thống nhất phương án kiên cố hóa vỏ hầm, địa chất trên vỏ hầm để chống sạt lở.

Ngoài mũi thi công xử lý trong hầm, các mũi khoan được thực hiện từ đèo xuống hầm cũng được tiến hành để kiểm tra địa chất, phun bê tông mác cao ổn định kết cấu địa hình, địa chất bên trên hầm. Đồng thời, các đơn vị thi công tiếp tục gia cố mái hầm bằng loạt khung thép trợ lực, thu dọn cả trăm khối đất đá trong hầm, kiểm tra rà soát kỹ lưỡng trước khi thông tàu. 

Trao đổi với PV, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, hầm Bãi Gió có tuổi đời 90 năm, kết cấu đã nhiều biến đổi. Đặc biệt, tác động của nước sau vỏ hầm làm thay đổi cấu tạo địa tầng khiến cho kết cấu hầm cũng thay đổi theo.

Vừa thi công, vừa khai thác

Theo ông Cảnh, không riêng hầm đường sắt qua đèo Cả, quá trình cải tạo ở những nơi khác cũng từng có 4 lần xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, địa tầng sau vỏ hầm (mặt đứng) của các hầm khác tương đối tốt nên chỉ sạt lở vài chục khối đất đá. Còn ở hầm Bãi Gió do trên hầm là quốc lộ 1, trong khi kết cấu đất đá rời rạc nên khối lượng bị sụt quá lớn, khoảng 400m3.

Tăng mũi thi công gia cố hầm đường sắt đèo Cả- Ảnh 2.

Thử tải sau khi thi công xử lý sự cố sụt lở trong hầm đường sắt qua đèo Cả.

"Quá trình thiết kế sửa chữa hầm, cơ quan chuyên môn đã khảo sát kỹ. Tuy nhiên, khi triển khai, vị trí bục vỏ hầm đường sắt qua đèo Cả không nằm trong mặt cắt khảo sát. Vị trí hố sụt nằm giữa 2 mặt cắt, không phải do bị bỏ sót. Qua sự cố này, thời gian tới, các đơn vị chức năng sẽ xem xét các phương pháp khi gia cố vỏ hầm. Theo đó, sẽ cố kết đỉnh hầm trước khi tác động vào vỏ hầm để giảm thiểu tình trạng sạt lở như đã xảy ra", ông Cảnh nói.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85 cho biết, hiện các đơn vị thi công tiếp tục phun bê tông hoàn thiện, lắp màng chống thấm, rãnh hai bên hầm

"Việc hầm vừa thi công vừa khai thác để các đoàn tàu lưu thông nên mỗi ngày công nhân chỉ được đưa trang thiết bị vào trong hầm thi công 2 tiếng rưỡi. Dự kiến, đến tháng 11 năm nay sẽ hoàn thành. Sau khi thông hầm vào chiều 21/4, tốc độ cho phép khi tàu chạy qua hầm là 15km/h", đại diện Ban Quản lý dự án 85 nói.

Huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp

Tìm hiểu của PV, hiện Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư thực hiện gia cố 10 hầm yếu (hầm số 1, 2, 3, Phủ Cũ, Chí Thạnh, Babonneau, Vũng Rô 4, Vũng Rô 2, Vũng Rô 1, Bãi Gió (hầm qua đèo Cả), kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM).

Thông tin từ Cục Đường sắt VN, trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện có 39 hầm đường sắt. Tuyến đường sắt Bắc - Nam có 27 hầm, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) có 8 hầm, tuyến Kép (Bắc Giang) - Lưu Xá (Thái Nguyên) có 4 hầm. 

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, do phương án thi công rất phức tạp, để nâng cấp, sửa chữa một mét hầm mất tới hơn 400 triệu đồng. Trong khi nhu cầu rất lớn nhưng kinh phí từ ngân sách bố trí hằng năm không đủ, chỉ đáp ứng khoảng 40-50% so với nhu cầu (tính đủ theo định mức kinh tế - kỹ thuật).

Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN, thời gian qua, ngành Đường sắt đã thực hiện sửa chữa, cải tạo nâng cấp các hầm trên đường sắt quốc gia với bốn hầm trong Dự án cải tạo hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân.

Cùng với kế hoạch trên, Cục Đường sắt VN sẽ phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng và đề xuất Bộ GTVT báo cáo cấp thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công sửa chữa, cải tạo 11 hầm trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (nhu cầu vốn 1.145 tỷ đồng); Dự án sửa chữa, cải tạo 8 hầm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (nhu cầu vốn 805 tỷ đồng).

"Khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai sửa chữa công trình để bảo đảm an toàn cho công tác chạy tàu", ông Trần Thiện Cảnh cho biết thêm. 

Sự cố sập hầm Bãi Gió qua đèo Cả (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã được khắc phục xong trong chiều 21/4, đường sắt Bắc - Nam qua khu vực đã được thông tuyến, tàu chạy bình thường.

Hầm Bãi Gió có chiều dài 393,72m, được người Pháp xây dựng từ năm 1935. Sau gần 100 năm khai thác, sử dụng, hầm đã bị xuống cấp nặng và hiện đang được sửa chữa, gia cố theo gói thầu số 11A, Dự án "Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang" do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư.

Trước đó, lúc 12h45 ngày 12/4, tại khu vực hầm Bãi Gió đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, làm ách tắc đường sắt chính tuyến Bắc - Nam qua khu vực.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.