Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Nhiều mức phạt tăng rất nặng đối với người điều xe mô tô, xe gắn máy so với hiện nay.
Đối với hành vi liên quan đến đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy Nghị định 123 đã tăng mức xử phạt từ 200 - 300 nghìn đồng lên 400 - 600 nghìn đồng.
Người điều khiển mô tô, xe gắn máy cần lưu ý khi tham gia giao thông để tránh bị xử phạt nặng - Ảnh minh họa
Đối với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, mức phạt được nâng từ 600.000 đồng - 1.000.000 triệu đồng, tước GPLX 1 - 3 tháng lên thành 1 - 2 triệu đồng, tước GPLX 1 - 3 tháng.
Người lái xe mô tô điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển cũng được điều chỉnh tăng mức xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng thành 1 - 2 triệu đồng.
Đối với hành vi điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông cũng được điều chỉnh mức xử phạt từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng thành 2 - 3 triệu đồng.
Người điều khiển xe mô tô không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa; sử dụng GPLX không hợp lệ cũng bị tăng mức xử phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng lên thành 1 - 2 triệu đồng.
Cùng hành vi này, mức xử phạt cũng được điều chỉnh từ 3 - 4 triệu đồng lên 4 - 5 triệu đồng đối với người lái xe mô tô 175cm3, xe mô tô ba bánh không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa; sử dụng GPLX không hợp lệ.
Đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép, Nghị định 123 điều chỉnh mức xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng thành 10 - 15 triệu đồng.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ VN) - thành viên ban soạn thảo Nghị định cho hay, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi không có GPLX hoặc sử dụng GPLX hết hạn nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình giấy phép, chấp nhận nộp phạt thay vì phải tước GPLX.
"Thực tế một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, thời gian tước quyền sử dụng GPLX dài. Do đó trong nhiều trường hợp, người vi phạm cố tình không xuất trình GPLX, khai báo mất để trốn tránh việc bị tước GPLX", bà Hạnh cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận