Xã hội

Tặng quà Tết để hối lộ, lấy lòng cấp trên: Cấm được không?

21/01/2019, 07:34

Những quy định về việc cấm tặng quà, chúc Tết cấp trên có tác động nâng cao ý thức cho cán bộ - đặc biệt với những người đang có ý định...

img
Trong năm 2018, có 10 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với tổng số tiền 145 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Việc tặng nhau món quà nhỏ dịp đầu xuân năm mới là phong tục tốt đẹp, không có gì xấu. Tuy nhiên, làm thế nào để phong tục này không bị biến tướng, lợi dụng biếu xén cấp trên với những động cơ không trong sáng chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Cấp trên nghiêm khắc, cấp dưới không dám tặng

Những năm gần đây, Ban Bí thư đều ban hành chỉ thị quán triệt các địa phương không chúc Tết Trung ương, nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức… Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thậm chí đã nhắc đi nhắc lại quan điểm nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên. Ông lưu ý các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải lo Tết cho nhân dân chứ không phải lo cho cán bộ cấp trên. Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhắc tới câu chuyện này.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư, việc Đảng, Chính phủ có các chỉ thị, quy định quán triệt việc cấm biếu xén, tặng quà dịp Tết cho lãnh đạo cấp trên là rất cần thiết. “Việc tặng quà hiện nay đã bị biến tướng. Quà Tết bây giờ có thể là nhà, xe, dự án hay phong bì “nghìn đô”. Người tặng trong tâm thế muốn nhận được ưu ái nên nịnh nọt, còn người nhận nhiều khi tham lam, muốn tranh thủ để kiếm chác. Thậm chí, có lãnh đạo còn “tính toán”, “ghi sổ” nếu cấp dưới không đến tặng quà. Vì vậy, nhiều người dù không muốn vẫn phải biếu quà Tết sếp”, ông Hùng nêu thực tế.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, không nên nhầm lẫn giữa chuyện biếu, tặng quà Tết giá trị lớn nhằm mục đích “hối lộ trá hình” với việc tặng quà, chúc Tết vì tình cảm trong sáng, không nên cực đoan đến mức nghĩ rằng dù Tết đến thì không cần chúc gì nhau.

“Khi còn đương chức, tôi không bao giờ có kế hoạch đi Tết cấp trên để tặng quà, biếu xén, cũng không bao giờ nhận quà Tết của cấp dưới với giá trị lớn. Nếu có, chỉ là những món quà nhỏ thể hiện tình cảm chứ không có chuyện quà là cả cục tiền. Thời điểm đó, chúng tôi thường tổ chức gặp mặt tất cả cán bộ nhân viên trước Tết để chúc Tết, quán triệt cấp dưới không cần đến nhà cấp trên, còn cấp trên có thể đi thăm, chúc Tết cấp dưới có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách”, ông Hùng chia sẻ và cho rằng, việc cấm trong thực tế là không dễ. Bởi nếu muốn thì người ta sẽ có đủ cách để tặng và nhận quà mà không ai biết được. Quan trọng nhất là phẩm chất và bản lĩnh của người đứng đầu, vì người đứng đầu nghiêm khắc, kiên quyết không nhận thì không cấp dưới nào dám tặng.

Thể chế minh bạch, tiêu cực sẽ hết

Đánh giá những chỉ thị, quy định của Ban Bí thư, Chính phủ về việc cấm tặng quà, chúc Tết cấp trên là rất cần thiết, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện nhận định, những quy định đưa ra có tác động nâng cao ý thức cho cán bộ - đặc biệt với những người đang có ý định quà cáp, biếu xén cấp trên. Đồng thời, khiến những người lãnh đạo - đối tượng được tặng quà phải hết sức cân nhắc, suy nghĩ.

Đặc biệt, Đảng vừa ban hành Quy định nêu gương của cán bộ cấp cao, Chính phủ cũng mới ban hành Đề án Văn hoá công vụ. Những điều này chắc chắn sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện chủ trương cấm biếu quà Tết cấp trên. “Không ai đo lường được hiệu quả hay tính toán hết các trường hợp có thể xảy ra, nhưng những quy định đưa ra cũng là yếu tố để cán bộ nhìn nhận lại vấn đề. Nó cũng là cơ sở để người dân có chút niềm tin rằng Đảng đang tự nghiêm khắc với chính mình trong chấn chỉnh cán bộ. Đặc biệt, đó cũng là cơ sở xem xét, xử lý hành vi vi phạm, đánh giá cán bộ”, ông Nhưỡng nói.

Để kiểm soát các biến tướng trong tặng quà Tết, ông Nhưỡng cho rằng, trước hết cán bộ phải tự kiểm soát mình. Thứ hai, là sự kiểm soát từ xã hội, từ nhân dân, và các cơ quan pháp luật. “Nhưng xét cho cùng ý thức tự giác của cán bộ là quan trọng nhất. Còn nếu tặng, nhận quà với ý nghĩa hối lộ, nhận hối lộ thì đã có đầy đủ chế tài của pháp luật để xử lý”, ông Nhưỡng nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, lâu nay, tặng quà dịp lễ Tết là một nét đẹp, là dịp để mọi người bày tỏ tình cảm cũng như sự biết ơn với nhau. Nhưng càng ngày, việc này càng bị biến tướng nặng nề khi nhiều người lợi dụng tặng quà Tết cho những tính toán cá nhân, để nịnh bợ, lấy lòng cấp trên.

Theo Bộ trưởng, việc cấm tặng quà Tết đã có tác động tốt và lan toả mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mặc dù cấm như thế nhưng việc thực hiện chỗ này, chỗ khác chưa nghiêm. “Điều cơ bản nhất để các chỉ thị, quy định này được thực hiện hiệu quả, chúng ta phải xây dựng một thể chế minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; có chế tài nghiêm khắc xử lý các vi phạm, bất kể người đó là ai”, Bộ trưởng Dũng nói.

Những năm gần đây, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đều công bố đường dây nóng tiếp nhận tin tố giác tặng quà biếu, quà Tết sai quy định. Dịp Tết năm 2018, Cục tiếp nhận hơn 50 cuộc gọi phản ánh về việc biếu, tặng quà Tết trái quy định. Tuy nhiên, các tin báo chủ yếu ở các tỉnh thành, địa phương, chứ không có tin tố cáo việc nhận quà Tết ở T.Ư hay các cơ quan lớn thuộc Đảng, Chính phủ.

Thực chất, Cục Chống tham nhũng chỉ là cơ quan tiếp nhận tin nhắn, tổng hợp, phân tích và xử lý những nguồn tin tố giác, chứ không phải cơ quan giải quyết và xử lý. Đối với mỗi nguồn tin được phản ánh đến đường dây nóng, xét thấy thông tin liên quan đến bộ, ngành nào, Cục sẽ chuyển cho các đơn vị đó kiểm tra, xử lý.

10 người nộp lại quà tặng trong năm 2018


Năm 2007, Thủ tướng ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quà tặng. Quà tặng sai quy định là quà tặng có giá trị vượt quá 500.000 đồng.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2018, có 10 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với tổng số tiền 145 triệu đồng. Trước đó, trong năm 2017, có 29 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị 528 triệu đồng. Còn tính trong 10 năm, từ năm 2006 - 2015, có 879 cán bộ công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng. Trong số này chỉ có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.