V-League 2019 đã tăng suất ngoại binh từ 2 lên 3, đồng nghĩa với việc số ngoại binh xuất hiện ở giải đấu cao nhất Việt Nam cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, số thực sự chất lượng không nhiều, đa phần không vượt trội so với cầu thủ nội.
Chất lượng tỉ lệ nghịch với số lượng
Sau một thời gian giới hạn số ngoại binh ở mỗi đội bóng dự V-League là 2, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thống nhất tăng suất ngoại binh lên thành 3 kể từ mùa giải 2019. VFF và VPF cho rằng, việc tăng thêm ngoại binh sẽ giúp chất lượng trận đấu cao hơn, có nhiều bàn thắng hơn, qua đó sẽ thu hút người xem đến sân đông hơn. Nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại, lượng khán giả tại V-League vẫn thưa thớt. Trong khi đó, chất lượng ngoại binh cũng là một dấu hỏi.
Những ngoại binh chơi tốt vẫn chỉ có một vài cái tên cũ như: Oseni, Omar (Hà Nội), Fagan (Hải Phòng), Olaha (SLNA)… Còn lại, những ngoại binh ở V-League 2019 chỉ nhỉnh hơn cầu thủ nội về thể hình, thể lực. Muốn làm rõ hơn nhận định này, hãy nhìn cách thi đấu đầy vụng về của cặp tiền đạo Junior - Tony (DNH Nam Định), Claudecir (Quảng Nam), Chevaughn Walsh (HAGL), Paulo (Viettel), Dyachenko (T.Quảng Ninh)...
Trao đổi với Báo Giao thông, HLV Phan Thanh Hùng (T.Quảng Ninh) cho rằng, V-League không có ngoại binh tốt đơn giản là do eo hẹp kinh phí. “Chế độ đãi ngộ của các CLB V-League so với mặt bằng chung châu Á rất thấp. Thậm chí, so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia hay Indonesia cũng không bằng. Chính bởi vậy, V-League rất khó hút được ngoại binh giỏi. Xuân Trường thi đấu ở Việt Nam nhận lương cỡ vài chục triệu đồng/tháng nhưng ở Thái Lan cậu ấy nhận được hơn 200 triệu đồng/tháng. Chỉ từ hai con số này đã cho thấy cầu thủ ngoại không quá mặn mà tới với V-League. Những người tới thì đều không phải là hàng chất lượng cao”.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nhận định, tiền là mấu chốt nhưng không phải là tất cả. “Các CLB Việt Nam chưa có một quy trình tuyển chọn cầu thủ thực sự chuyên nghiệp. Đại đa số cầu thủ ngoại đến V-League đều là tự liên hệ, thông qua người đại diện hoặc môi giới. CLB thử việc nếu thấy ổn thì ký hợp đồng. Nên nhớ, những cầu thủ giỏi họ không làm như vậy, họ đợi các đội bóng đến trải thảm đỏ. Ngoài ra, V-League không có quy định về chuẩn ngoại binh. Tôi lấy ví dụ như phải từng khoác áo đội tuyển hoặc đội tuyển U23. Còn như hiện tại, CLB Việt Nam đang chơi kiểu may hơn khôn. Tức là cứ thử việc, cứ cho đá, may mắn thì tìm được người phù hợp, không thì lại tìm người khác. Cứ như vậy, dòng chảy ngoại binh ở V-League khó nâng tầm”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, cũng bởi lúng túng trong kế hoạch tìm kiếm ngoại binh nên rất nhiều trường hợp cầu thủ ngoại ở V-League được mua bán quay vòng. Tiêu biểu là trường hợp Oseni, cầu thủ này từng 5 lần đổi CLB trước khi cập bến Hà Nội ở mùa giải năm ngoái. Dyachenko từng bị T.Quảng Ninh đẩy vào TP HCM theo diện cho mượn, rồi không ký tiếp hợp đồng nhưng đầu mùa giải năm nay, đội bóng đất Mỏ vẫn phải “cậy nhờ” Dyachenko vì không thể tìm người mới. Hay như Patiyo (Cần Thơ về DNH Nam Định), Vinicius (từ Than Quảng Ninh vào TP HCM), Warley (từ Quảng Nam về Sanna Khánh Hòa).
Có nên giới hạn ngoại binh?
Có một thực tế khác, dù ngoại binh tệ nhưng nhiều CLB vẫn nghiến răng sử dụng. Điều này vô hình trung làm giảm cơ hội ra sân của các cầu thủ nội, đặc biệt là trên hàng công. HLV Park Hang-seo từng phải thốt lên rằng, V-League có 70-80% tiền đạo là ngoại binh thì bóng đá Việt Nam khó sản sinh ra những chân sút tốt. Vậy, nên chăng V-League siết chặt lại số lượng ngoại binh, giúp cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát.
Về vấn đề này, HLV Phan Thanh Hùng không thực sự tán đồng. Theo vị thuyền trưởng CLB T.Quảng Ninh, các CLB nên tính đến chuyện nâng cao chất lượng ngoại binh bởi quy định 3 ngoại binh là phù hợp. “AFC cho phép các CLB được dùng 3 ngoại binh, cả châu Á đều làm vậy chứ không riêng Việt Nam. Nếu đá Cúp C1 (AFC Champions League), C2 châu Á (AFC Cup) mà CLB Việt Nam chỉ dùng 2 ngoại binh thì sẽ thất thế so với các đối thủ. Lượt đấu cuối vòng bảng AFC Cup 2019 vừa qua, chính Oseni và Wander Luiz giúp Hà Nội, B.Bình Dương đi tiếp đó thôi. Tôi ủng hộ việc dùng 3 ngoại binh, miễn sao phù hợp với quy định”.
Tán đồng ý kiến của HLV Phan Thanh Hùng, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh phân tích thêm: “Ngoại binh tuy chất lượng không cao nhưng họ vẫn có những tố chất mà cầu thủ Việt Nam không có, đặc biệt là chiều cao và sức mạnh, nên CLB rất muốn tận dụng. Chevaughn Walsh của HAGL không phải là mẫu cầu thủ khéo léo nhưng anh này cũng đã có 7 bàn thắng. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết các CLB V-League đều chơi bóng dài, bóng bổng nên cần trung vệ, tiền đạo ngoại để gia tăng sức tấn công hoặc phòng ngự”.
Về phần mình, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF bày tỏ quan điểm, không nên kéo lùi suất ngoại binh bởi điều này đi ngược với thông lệ quốc tế. “Không thể nói đá 3 cầu thủ ngoại thì cầu thủ nội không có đất diễn. Nếu cầu thủ nội chơi xuất sắc, đáp ứng được yêu cầu thì chắc chắn vẫn được các CLB sử dụng. Giải Ngoại hạng Anh nhiều cầu thủ ngoại nhưng cầu thủ Anh vẫn có nhiều cái tên xuất sắc. Còn về chất lượng ngoại binh, tôi tin rằng không CLB muốn giữ cầu thủ kém chất lượng, họ phải chịu quy luật đào thải.
Về lâu về dài, nếu 3 suất ngoại binh đều tốt thì chắc chắn chất lượng các trận đấu được nâng cao, từ đó hình ảnh giải đấu cũng lung linh hơn. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, lực lượng cầu thủ nội tốt chưa nhiều. Nếu không có ngoại binh, tôi tin chất lượng giải sẽ đi xuống, như vậy sẽ rất khó trong việc kêu gọi tài trợ và kéo khán giả tới sân. Mọi người cứ nhìn vào danh sách dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới V-League 2019 sẽ thấy rõ, đa phần đều là ngoại binh. Những cầu thủ này dù còn hạn chế nhưng ít nhiều đóng góp cho giải đấu, giúp giải đấu hấp dẫn hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận