Tài chính

Tăng sức hút đầu tư hạ tầng giao thông

29/08/2023, 18:00

Khoảng 2,5 năm qua, chiều dài đường cao tốc Việt Nam tăng thêm hơn 600km, trong khi hơn chục năm trước chỉ xây dựng được hơn 1.100km.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá, điều này không chỉ thay đổi diện mạo đất nước mà còn đem lại những lợi thế lớn trong phát triển kinh tế.

photo-1693191213039

TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Tạ Hải.

Lan tỏa niềm tin, động lực và trách nhiệm

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác, ngay lập tức đã cho thấy hiệu quả. Ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của các tuyến đường này?

Có thể thấy ngay việc thông xe một số tuyến đúng vào thời điểm nghỉ lễ 30/4 đã minh chứng rõ tầm quan trọng và hiệu quả của các tuyến đường cao tốc khi nhà nhà, người người đi du lịch. 

Ngay bản thân tôi, trước đây một năm về quê Hà Tĩnh chỉ 2 lần, nhưng từ hôm thông xe đã về 5 lần.

Điểm nổi bật thứ hai là sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Đây là khâu quan trọng nhất, thường vướng mắc hay nằm ở khâu này.

Điểm nổi bật thứ 3 là cả Quốc hội và Chính phủ cùng vào cuộc rất quyết liệt. Nói như vậy không phải những nhiệm kỳ trước bỏ lửng trách nhiệm, mà để chúng ta thấy được sự quan tâm đặc biệt, nhất của lãnh đạo Chính phủ khi liên tục xuống hiện trường, kể cả ngày nghỉ lễ. 

Điều đó đã lan tỏa được niềm tin, động lực và trách nhiệm của tất cả thành viên khác trong những nhiệm vụ liên quan. Đó cũng là điều mà dân cần, dân mong.

Lần đầu tiên, một Ban chỉ đạo Nhà nước về các dự án giao thông tầm quốc gia được thành lập, do Thủ tướng làm Trưởng ban để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối các công việc, theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất xử lý các vướng mắc. 

Chính điều này tạo sức ép với chính quyền địa phương để giải quyết vướng mắc nguồn vật liệu đúng thời điểm giá biến động hỗn loạn, tăng cao đỉnh điểm chưa từng có.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã nhanh chóng gỡ rối về đơn giá, giúp nhà thầu yên tâm hơn, đẩy mạnh thi công. Việc này cũng chưa từng xảy ra. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, các nhà thầu không kêu ca về việc buộc phải sản xuất cầm chừng nữa.

Theo đà này, ngành GTVT hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu và tiến độ của các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam.

Tôi cho rằng, ý nghĩa lớn nhất chúng ta nhận được thời gian qua là niềm tin, từ đó lan tỏa được động lực mới về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo ông, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tác động đến tăng trưởng kinh tế ra sao, nhất là trong trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới khó khăn hiện nay?

Về nguyên lý, một đất nước muốn phát triển được đều phải ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông. Việc đi lại thuận tiện sẽ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ bé, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn còn hạn chế. Do đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam là kỳ vọng lớn cho phát triển kinh tế thời gian tới.

Rõ ràng, phát triển tốt hạ tầng giao thông sẽ giúp quá trình đô thị hóa phát triển nhanh hơn. Các dịch vụ đi kèm cũng phát triển. Thị trường bất động sản cũng sẽ phục hồi nhanh hơn. Vận tải, vận chuyển, logistics… đều tăng về số lượng và giảm về chi phí.

Logistics ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, đầu tư vào hạ tầng còn tạo sức hấp dẫn cho hàng hóa Việt. Đặc biệt, hạ tầng giao thông thuận tiện sẽ khuyến khích đi lại, du lịch nhiều hơn.

Tất cả những điều trên sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, giảm chi phí sản xuất và phân phối, trực tiếp tác động đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là ngành xây dựng. Và cũng là động lực để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tăng tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào giao thông

photo-1693191217524

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn ‎2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau ngày 16/5. Ảnh: Huỳnh Như.

Rõ ràng, phát triển hạ tầng giao thông đang phát huy vai trò đi trước mở đường cho nền kinh tế. Vậy cần gỡ vướng ở đâu để hút được nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư vào lĩnh vực này?

Tại Việt Nam, nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường bộ là rất lớn, trong khi nguồn lực thì có hạn. 

Hiện đã có những hình thức huy động vốn như PPP, ODA và đầu tư công.

Tuy nhiên, từ khi ban hành Luật PPP đến nay, chúng ta chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức này do nhiều vướng mắc. 

Trong khi, dùng vốn vay ODA gây nên tình trạng dự án kéo dài, giải ngân chậm do quy trình vay ưu đãi rất phức tạp, phải thực hiện đúng quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của nước tài trợ… 

Do đó, những công trình trọng điểm giao thông vẫn dùng vốn đầu tư công là chủ yếu.

Song muốn thu hút được vốn từ tư nhân, phải nhìn vào thực tế là đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận không cao, thời gian hoàn vốn kéo dài. 

Do đó, cần xem xét một số chính sách, giải pháp tạo sự hấp dẫn cho các dự án đầu tư theo phương thức PPP.

Theo ông, cụ thể sự hấp dẫn đó là gì?

Cần tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu để thu hút nhà đầu tư, khoảng 15-18% tùy thuộc vùng, miền; hoặc quy định bằng 1,3-1,5 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng (tỷ suất lợi nhuận hiện nay khoảng 11-14% chưa thực sự hấp dẫn).

Bên cạnh đó, cho phép nhà đầu tư huy động vốn từ các quỹ như hưu trí, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… để đa dạng nguồn vốn; cho phép nhà đầu tư phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. 

Việc này tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận với các tổ chức tín dụng nước ngoài vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Ngoài ra, nên phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương về công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc địa phương quản lý. 

Từ địa phương cũng sẽ thu hút những nhà đầu tư có tiềm năng…

photo-1693191217995

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 được khánh thành ngày 29/4/2023. Ảnh: Tạ Hải.

Cùng với thu hút nguồn lực đầu tư vào giao thông, theo ông, chúng ta nên hướng dòng vốn vào loại hình giao thông nào để tối ưu hiệu quả?

Cùng với việc đầu tư trục cao tốc Bắc - Nam huyết mạch, chúng ta nên tính toán để đầu tư nâng cấp đường sắt.

Đường sắt có lợi thế an toàn, vận chuyển hàng hóa giá rẻ, thu hút du lịch nhờ đi dọc chiều dài đất nước, qua nhiều danh lam thắng cảnh. Quan trọng hơn, du khách được thư thái, nhàn hạ vì đỡ phải chờ đợi.

Lâu nay, do vốn đầu tư vào ngành này quá lớn, vượt quá tầm tự tích lũy của nền kinh tế. Vì thế, không có cơ hội phát triển đường sắt mà chỉ mới tập trung vào phát triển đường bộ.

Ở châu Âu coi đường sắt là một tuyến vận tải chính, đến bây giờ họ vẫn duy trì đến những vùng xa xôi hẻo lánh. Do đó, chúng ta cũng cần có tính toán để tạo hiệu quả trong cam kết lần này.

Theo tôi nên chia ra các hạng mục thu hút vốn, Nhà nước chỉ cần nâng cao vai trò quản lý.

Cảm ơn ông!

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 ước giải ngân gần 20.700 tỷ đồng, đạt gần 46% kế hoạch vốn được giao của năm nay. Bộ Tài chính đánh giá, nhờ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng, tiến độ giải ngân của dự án đã đạt kết quả tích cực.

Riêng các dự án trọng điểm, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đạt tỷ lệ giải ngân 54,5% tổng kế hoạch được giao.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.