Tờ trình của Chính phủ cho rằng, những nhóm hàng hóa gồm thuốc lá, bia, rượu cần tăng thuế suất để hạn chế tiêu dùng, tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe và các hệ lụy khác cho xã hội.
Nhiều người đang bị ảnh hưởng bởi việc hút thuốc lá nơi công cộng - Ảnh: Lã Anh |
Tăng thuế, mở rộng đối tượng thu
“Cần thiết phải tăng thuế” là quan điểm được nhiều đại biểu tán thành khi thảo luận, góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tại phiên họp UBTVQH ngày 25/9.
Trước đó, tờ trình của Chính phủ đề xuất lộ trình tăng thuế TTĐB cụ thể: Đối với thuốc lá: Từ 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; Từ 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%. Đối với mặt hàng bia: Từ 1/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; Từ 1/1/2017 tăng lên 60%; Từ 1/1/2018 tăng lên 65%. Rượu từ 200 trở lên tăng từ 50% lên 65% (áp dụng như thuế suất đối với rượu từ 400 trở lên đã thực hiện trước ngày 1/1/2010); Rượu dưới 200 thuế suất 35% (tăng 10%).
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam: Tỷ lệ người hút thuốc 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới (tương đương 15,3 triệu người); 67,6% người không hút thuốc lá (33 triệu người) hút thuốc thụ động tại nhà và 49% (5 triệu người) hút thuốc thụ động tại nơi làm việc. Trong khi đó, tính riêng năm 2013 tại Việt Nam, lượng bia tiêu thụ là 3 tỷ lít và bình quân 32 lít/người. (Theo tờ trình của Chính phủ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB) |
Theo tờ trình Chính phủ, một nghiên cứu tin cậy cho thấy, khoảng 40 nghìn ca tử vong tại Việt Nam trong năm 2008 có nguyên nhân trực tiếp từ thuốc lá (không tính các trường hợp hút thuốc thụ động), số tử vong này có thể lên tới 50 nghìn người năm 2023.
Quan điểm của Chính phủ là việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với những mặt hàng này để giảm tiêu dùng, phòng ngừa việc lạm dụng gây tác hại đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, việc sử dụng những sản phẩm này còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác như mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và TNGT.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Tài chính ngân sách của QH cho rằng, lộ trình và mức tăng thuế như đề xuất của Chính phủ là hợp lý nhưng chưa đủ. Chẳng hạn, cùng với tăng thuế rượu, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá tính khả thi trong thu thuế TTĐB đối với rượu nấu trong dân cư. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng rượu.
Mỗi năm thất thoát 5 - 6 nghìn tỷ đồng do buôn lậu
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tác động của việc tăng thuế suất các mặt hàng, nhất là việc ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, sản xuất của doanh nghiệp và người lao động.
Đồng tình với quan điểm, tăng thuế là công cụ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng nguồn thu, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cần cân nhắc kỹ và làm rõ tác động xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lo ngại, mỗi năm thất thoát 6.000 - 6.500 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá. “Nếu tăng thuế suất, có khi vô hình trung lại đẩy buôn lậu và số người hút tăng lên”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, buôn lậu gia tăng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. “Phải xem chúng ta đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Không thể vì lý do buôn lậu tăng, không ngăn chặn được mà không tăng thuế TTĐB những mặt hàng nhiều tác hại đến người dân”, Phó Chủ tịch QH nêu ý kiến.
Cho rằng, cần xem xét cụ thể và có nghiên cứu đầy đủ đối với những tác động thực tế của việc điều chỉnh, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu quan điểm, doanh nghiệp thất thu, ảnh hưởng vì buôn lậu chỉ là so sánh tương quan với buôn lậu. “Tôi thấy các doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, sống khỏe. Không thể vì một vấn đề mà khiến chính sách của chúng ta không thực hiện được hoặc nhờn chính sách”.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, ngành nào cũng có đặc thù. Không thể vì không kiểm soát được buôn lậu mà chậm bổ sung chính sách.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận