Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối tháng 3/2022 trên công trường gói thầu XL03 thuộc dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, sau khi được cấp phép hai mỏ vật liệu, nhà thầu đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, dồn lực thi công đắp nền 10km đường và thảm nhựa mặt đường, thi công cầu, cống dọc tuyến.
Xe múc, xe ben hoạt động nhộn nhịp tại mỏ đất Suối Cát thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Vĩnh Phú
Tại mỏ đất Suối Cát chỉ cách nút giao cao tốc và Tỉnh lộ 765 khoảng 500m, máy xúc gầm rú cào múc đất lên xe ben vận chuyển đến công trường đắp nền đường.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Liên danh nhà thầu phụ trách thi công gói thầu XL03 cho biết, theo tính toán, khối lượng đắp nền tại gói thầu còn khá lớn, hơn 1 triệu m3 đất đắp, trung bình mỗi ngày, nhà thầu phải đắp khoảng 12.000 m3 đất.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99 km đi qua tỉnh Bình Thuận (hơn 47km) và tỉnh Đồng Nai (hơn 51km) với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng.
Dự án được khởi công vào tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022, gồm 4 gói thầu xây lắp. Lũy kế sản lượng tính đến nay đạt gần đạt 34% giá trị hợp đồng.
“Để đáp ứng tiến độ, Vinaconex đã bổ sung thêm 6 - 7 mũi thi công, nâng tổng số lên 15 mũi thi công nền; Đồng thời, bổ sung thêm 40 đầu thiết bị (lu, ủi,…), nâng tổng số thiết bị lên hơn 300 đầu máy, bổ sung 1 dây chuyền bê tông nhựa nâng tổng số trạm bê tông nhựa lên 4 trạm”, ông Hải chia sẻ.
Tương tự tại gói thầu XL04 qua huyện Cẩm Mỹ, thành phố Long Khánh, hàng chục mũi thi công cũng đang được triển khai, chạy đua với thời tiết đáp ứng mục tiêu hoàn thành thi công nền đường vào trước mùa mưa năm 2022.
Theo ông Dương Quốc Ân, Chỉ huy trưởng thi công gói thầu XL04, dự kiến, trước ngày 25/3/2022, địa phương sẽ hoàn thiện và cấp phép mỏ đất tại thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) giải quyết xong nguồn vật liệu để nhà thầu tăng tốc thi công nền đường.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây muốn cán đích đúng hoặc sớm hơn kế hoạch, công tác thi công nền đường phải được hoàn thành trước mùa mưa (trước 31/5/2022). Trong khi đó, khối lượng đất đắp nền đường hiện còn khá lớn, tập trung ở gói thầu số 3 khoảng hơn 1 triệu m3, gói 4 khoảng 400.000 m3, gói 1 và gói 2 khoảng 500.000 m3.
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đã yêu cầu lập tiến độ trên từng đoạn cụ thể, tăng ca và tăng đầu máy thiết bị thi công ở một số mũi khối lượng đắp còn nhiều.
Hiện, các gói thầu đã tăng gấp rưỡi đến gấp đôi phương tiện, nhân lực với thời gian thi công kéo dài đến 11 - 12h đêm để tăng tốc thi công phần đắp nền”, đại diện Ban QLDA Thăng Long thông tin.
Liên quan đến công tác GPMB, theo lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long, hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn tồn tại 1 vị trí cột đường điện 500KV ở huyện Hàm Tân vẫn đang trong quá trình thực hiện công tác di dời, dự kiến đến giữa quý 2/2022 sẽ hoàn thành.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn vướng 0,06km/7 hộ tuyến chính huyện Cẩm Mỹ, 200m nhánh nút giao/4 hộ huyện Thống Nhất thuộc gói thầu số 4XL là điểm găng của dự án. Cơ quan chức năng địa phương đã có kế hoạch cưỡng chế trong tháng 3/2022.
Một hộ nằm tại khu vực lõi nút giao QL1 không ảnh hưởng thi công huyện Xuân Lộc cũng đang được lên kế hoạch giải quyết xong trong tháng 3/2022.
“Tuy chiều dài vướng không còn lớn nhưng là điểm găng của dự án tại vị trí xây dựng kết nối cao tốc Phan Thiết - Dầu Dây vào cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây, cầu vượt Km97+450 hay vị trí điện cao thế 500kV Km30+686 là điểm điều phối đất đắp của Gói thầu 2-XL. Nếu không được giải quyết dứt điểm, việc đảm bảo tiến độ dự án theo yêu cầu sẽ rất khó”, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận