Sẵn sàng chuyển hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tính đến hết tháng 3 đã giải ngân được 544 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch 2020. Dự kiến, trong tháng 4/2020, Ban QLDA Thăng Long sẽ giải ngân thêm khoảng 600 tỷ đồng, nâng tỷ lệ giải ngân của đơn vị lên 30%.
Theo ông Roãn, trong 4 dự án đang thi công do Ban QLDA Thăng Long quản lý sẽ có 3 dự án hoàn thành trong tháng 4/2020 gồm: Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, QL217 giai đoạn 2 và cầu sông Chùa trên QL1. “Riêng dự án Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang thi công đạt khoảng 80% sản lượng, sẽ thông xe đưa vào khai thác trong tháng 9/2020”, ông Roãn nói.
Liên quan đến hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, ông Roãn cho biết, đối với dự án Mai Sơn - QL45, khối lượng GPMB đã đạt khoảng 60%, còn dự án Phan Thiết - Dầu Giây cũng đạt 65%.
“Kết quả giải ngân cho công tác GPMB của hai dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, cả 6 gói thầu của hai dự án đã phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật”, ông Roãn nói và cho biết, Ban QLDA Thăng Long đã báo cáo Bộ GTVT về dự kiến tiến độ triển khai khi chuyển hình thức đầu tư hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây từ PPP sang đầu tư công.
Đối với dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đến nay đã triển khai 7/11 gói thầu xây lắp, còn lại 4 gói thầu sẽ có kết quả đấu thầu trước 20/4/2020.
“Trong tháng 4/2020, toàn bộ 11 gói thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ thi công đồng loạt”, ông Hoàng nói và thông tin thêm, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm cũng hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật. “Trong 3 tháng đầu năm 2020, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được 1.010 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch cả năm. Chúng tôi phấn đấu trong năm 2020 sẽ giải ngân đạt 100%”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 cho biết, trong năm 2020, đơn vị triển khai 4 công trình giao thông trọng điểm, gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2, dự án nâng cấp QL53 Trà Vinh - Long Toàn và dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp. Cụ thể, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện đã GPMB được 95%, hoàn thành xây dựng 3/4 khu tái định cư, một khu tái định cư còn lại sẽ xây dựng xong trong tháng 6/2020.
“Qua hai lần sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, dự án không có nhà đầu tư nào đạt yêu cầu. Hiện chúng tôi đã tiến hành lập dự toán và phân chia các gói thầu, khi Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ khởi công ngay”, ông Khánh nói.
Còn lại, hai dự án nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn và nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, mỗi dự án đều đã khởi công hai gói thầu xây lắp từ đầu năm 2020, khối lượng hiện nay chủ yếu là đào, đắp cát nền đường.
Chủ động kế hoạch giải ngân các dự án lớn
Liên quan tình hình triển khai 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, tại cuộc họp cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong khi chờ chủ trương của Quốc hội về việc chuyển đổi hình thức đầu tư, các dự án vẫn phải tuân thủ đúng các chỉ đạo trước đây. Bộ trưởng yêu cầu các ban QLDA cần sớm kết thúc công đoạn sơ tuyển nhà đầu tư, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu, mẫu hợp đồng theo hình thức PPP. Đồng thời, làm ngay việc xác định số lượng gói thầu và đẩy nhanh công tác GPMB, hệ thống đường công vụ... để khi Quốc hội chấp thuận chủ trương, Chính phủ ban hành nghị quyết là khởi công ngay các dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8/2020.
Thông tin về tiến độ tổng thể của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, 3 dự án đầu tư công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 đã triển khai thi công một số gói thầu xây lắp, các ban quản lý dự án đang hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công các gói thầu còn lại.
Đối với 8 dự án PPP, đến nay 3/8 dự án đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư (Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt và Vĩnh Hảo - Phan Thiết), 4/8 dự án (Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn; Nha Trang - Cam Lâm và Phan Thiết - Dầu Giây) đã hoàn thành công tác thẩm định, đang được tổ giám sát liên ngành rà soát. Còn lại, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có phát sinh tình huống đấu thầu, Bộ GTVT đang yêu cầu Ban QLDA 85 giải trình, làm rõ các ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Ông Lâm cho biết thêm, dự kiến công tác phê duyệt hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng của các dự án PPP sẽ hoàn thành đồng thời với công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán (cuối tháng 4/2020). Công tác thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu, đàm phán với nhà đầu tư dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2019, khởi công các dự án vào cuối năm 2020.
“Tuy nhiên, công tác khởi công các dự án phụ thuộc vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư và việc đàm phán hợp đồng”, ông Lâm nói và cho biết, trường hợp Quốc hội thông qua chủ trương vào đầu kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 5/2020 và ban hành Nghị quyết trước ngày 30/5/2020, có thể phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 6/2020, phấn đấu hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 8/2020 để tổ chức khởi công.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT cho biết, đến hết tháng 3/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được 7.497 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch cả năm. Kết quả giải ngân trong quý I/2020 của Bộ GTVT đạt cao do tỷ trọng của phần hoàn ứng trước kế hoạch khoảng 5.000 tỷ đồng, hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 2 dự án BT khoảng 1.334 tỷ đồng chiếm chủ yếu. Trong khi, khối lượng giải ngân GPMB trong 3 tháng đầu năm 2020 mới chỉ đạt khoảng 388 tỷ đồng (chủ yếu của cao tốc Bắc - Nam phía Đông), giải ngân cho xây lắp khoảng 775 tỷ đồng (gồm cả phần ứng hợp đồng).
“Việc hoàn thiện các thủ tục về đấu thầu và đẩy mạnh tiến độ thi công xây lắp các dự án là những yếu tố quyết định kết quả thực hiện kế hoạch giải ngân các tháng tiếp theo của năm 2020”, ông Huy nhận định và cho biết, các nhóm dự án chiếm tỷ trọng kế hoạch lớn như: Các dự án cao tốc Bắc - Nam còn phải giải ngân 9.146 tỷ đồng; 14 dự án đường bộ, đường sắt cấp bách còn phải giải ngân 3.800 tỷ đồng; khối lượng còn phải giải ngân của các dự án ODA khoảng 6.600 tỷ đồng...
“Dự kiến, trong quý II/2020, chúng ta vẫn còn dư địa để giải ngân nhưng đến quý III và quý IV sẽ rất khó khăn khi khối lượng giải ngân rất lớn. Nếu các chủ đầu tư, ban QLDA không chủ động từ bây giờ, tình hình giải ngân trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng”, ông Huy nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận