Hạ tầng

Tăng tốc làm cao tốc ngay sau Tết

31/01/2023, 06:02

Những ngày đầu Xuân mới Quý Mão 2023, trên công trường cao tốc Bắc – Nam, không khí lao động hết sức khẩn trương.

Các nhà thầu thi công tăng cường tối đa nhân lực, máy móc thiết bị với tinh thần “không ngơi nghỉ một phút nào” nhưng vẫn canh cánh nỗi lo thiếu vật liệu.

Ra quân ồ ạt, không “làm lấy ngày”

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang đoạn qua huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, thuộc dự án Cần Thơ - Cà Mau ngày 30/1. Ảnh: P.V

Ghi nhận trên công trường dự án QL45 - Nghi Sơn (1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa) những ngày đầu năm mới Quý Mão, không khí làm việc rất khẩn trương.

Nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực đảm bảo tiến độ về đích tháng 8/2023. Tuyến này dài 43,28km do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư, đã khởi công tháng 7/2021.

Ông Cao Văn Hóa - Chỉ huy trưởng công trường gói thầu XL2 (Công ty TNHH Định An) cho biết, trên tuyến có 18 xe vận chuyển VLXD, 16 máy ủi, máy san lấp. 55 cán bộ, kỹ sư và công nhân thay phiên làm việc xuyên Tết.

Tương tự, công trường thi công dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt cũng rộn vang tiếng động cơ của xe, máy, tiếng trao đổi, cười nói của cán bộ, kỹ sư, công nhân.

Tại phía Bắc hầm Thần Vũ, kỹ sư Võ Sơn Hải, chỉ huy trưởng của Công ty TNHH Hòa Hiệp nói lớn át cả tiếng máy khoan: “Theo kế hoạch thì đến nay sẽ khoan được 250m hầm. Thế nhưng, Hòa Hiệp đã khoan được 300m. Công ty ra quân đầu năm mới là triển khai thi công ồ ạt ngay, không làm lấy ngày”.

Cũng ở phía Bắc, ngay ống hầm bên cạnh, Tập đoàn Cienco4 đã khoan được 164/567m ống hầm bên trái, đáp ứng tiến độ rất gấp gáp.

Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc điều hành gói thầu số XL3 thuộc nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, Cienco4 đã bố trí hệ thống máy khoan, máy phun vẩy bê tông, cùng khoảng 20 đầu xe máy khác và hơn 50 công nhân thi công 24/24h.

Trong khi đó, ở phía Nam hầm Thần Vũ, cả 2 ống hầm đều do Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công, đến nay đã thi công được 64m ống hầm bên phải và 50m ống hầm bên trái. Đơn vị đang huy động thêm thiết bị, nhân lực, cam kết thông hầm cuối năm 2023.

Tại công trường thi công cầu Thần Vũ 2 và cầu Ồ Ồ, không khí thi công rộn ràng không kém. Trung tá Đinh Công Thắng - Phó giám đốc Xí nghiệp 283, Binh đoàn Trường Sơn (đơn vị thi công cầu Thần Vũ 2) cho biết: “Dù là đầu Xuân năm mới nhưng đơn vị ra quân làm ngày đêm. Hiện trên công trường có hơn 100 công nhân, hàng chục máy móc, thiết bị. Vật tư, vật liệu đã tập kết đủ để tăng tốc thi công cho 2 tháng tới”.

Ghi nhận tại dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu, trong những ngày Tết có 3 đơn vị cho kỹ sư, công ăn Tết trên công trường để giữ nhịp thi công.

Đó là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải và Tập đoàn Cienco4. Đến ngày mùng 5 Tết, các đơn vị còn lại trên tuyến cũng đồng loạt ra quân.

Tại phía Nam, ngay sau Tết, các nhà thầu đã bắt tay vào việc. Tại dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, đến mùng 9 tháng Giêng, cán bộ, công nhân, kỹ sư đã đến công trường gần 100% quân số. Tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, công trường đã đủ quân.

Tại dự án Cần Thơ - Cà Mau, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đơn vị chỉ nghỉ ngày 30 và mùng 1 Tết. Từ mùng 2 đã bố trí 7 mũi thi công với 50 kỹ sư và khoảng 300 lao động, huy động hàng chục thiết bị, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp.

Tranh thủ mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ

Tại dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong qua tỉnh Phú Yên, những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà thầu vẫn tập trung nhân lực, máy móc để thi công những hạng mục đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động lễ khởi công vào ngày đầu tiên của năm 2023.

Đại diện liên danh nhà thầu thi công, ông Lê Minh Phương, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL2, Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C cho biết, nhà thầu thi công triển khai 3 mũi thi công xuyên Tết.

“Hiện tại tỉnh Phú Yên đã giao 80% mặt bằng. Phương châm là nhận mặt bằng đến đâu triển khai đến đó để đảm bảo tiến độ dự án. Tỉnh cũng đã đưa vào quy hoạch 28 mỏ khoáng sản. Về bãi thải, tỉnh đã cập nhật, bổ sung 56 vị trí với diện tích khoảng 385,91ha”, ông Phương nói.

Tại Quảng Ngãi, mọi công việc liên quan đến dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cũng đang được gấp rút thực hiện ngay sau lễ khởi công. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhanh chóng với quyết tâm cao nhất, cam kết sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công ngay trong quý II/2023.

Tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Trị, gần 1 tháng sau lễ khởi công, liên danh nhà thầu đã tích cực chuẩn bị công trường, huy động máy móc thiết bị, đến nay đã cơ bản được đào bóc hữu cơ xong.

Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, dự án Vạn Ninh - Cam Lộ hiện đang được các nhà thầu tích cực triển khai. Đoạn qua Quảng Trị đang bố trí 3 mũi thi công đường và 1 mũi thi công cầu Rào Trường...

Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, về mỏ đất đắp nền đường, tỉnh đã chấp thuận 8 mỏ; 5 vị trí bãi thải đã được chấp thuận...

Thường trực nỗi lo vật liệu

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, ngày 30/1

Đại diện Ban điều hành dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, khó khăn lớn nhất là việc xin gia hạn khai thác mỏ vật liệu đất đắp (5 mỏ với trữ lượng khoảng 300.000m3) đã hoàn thành thủ tục nhưng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Nhà thầu đang mong mỏi việc gia hạn khai thác các mỏ đất đắp sẽ được chấp thuận ngay đầu tháng 2/2023 để tăng ca, tăng kíp.

Tương tự, tại dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ngay sau Tết, nỗi lo về vật tư, vật liệu thi công cũng đang thường trực. Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban điều hành dự án cho biết, do thời gian thi công dự án kéo dài, các mỏ đất được cấp theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ đã hết hạn.

Tính toán cho thấy, hạng mục đường gom, đường ngang tại dự án cần thêm khoảng 1.000.000m3 đất đắp để hoàn thành.

“Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận và Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ về việc tiếp tục gia hạn các mỏ vật liệu. Chúng tôi kỳ vọng chậm nhất đến giữa tháng 2/2023, đề xuất gia hạn sẽ được chấp thuận”, ông Huy nói.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), để đảm bảo tiến độ, hiệu quả triển khai các dự án, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là 3 dự án thành phần dự kiến được đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA yêu cầu các nhà thầu duy trì tiến độ, 3 ca, 4 kíp, không được rút bớt máy móc, thiết bị để triển khai các dự án mới.

Trong khi đó, khó khăn lớn nhất đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hiện nay là hầu hết các mỏ cát sử dụng cho dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công (61/80 mỏ).

Theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ, vật liệu cát, sỏi lòng sông chỉ được tăng công suất khai thác 50% theo cơ chế đặc thù tại ĐBSCL. Đối với khu vực dự án từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Chính phủ cũng chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.

Với các dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nguồn cung cấp cát cũng gặp nhiều khó khăn khi so với tổng nhu cầu vật liệu cát (18.500.000m3), đến nay, mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1.100.000m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.

Về thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương. Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất đối với các mỏ hay nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.

Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Chính phủ có ý kiến với UBND các địa phương có dự án đi qua rà soát để nâng công suất các mỏ cát đang khai thác cần sử dụng cho dự án. Đồng thời, chỉ đạo Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn các địa phương trình tự, thủ tục liên quan.

Bộ GTVT cho biết, tính đến ngày 18/1/2023, các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua đã bàn giao GPMB được 549/721,2km đạt 76%, đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II/2023.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, 14/25 gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và đã tổ chức khởi công 12 dự án thành phần.

7 gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng ngày 15/1/2023.

4 gói thầu còn lại (Gói 13XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh; Gói XL2 và XL3 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Gói XL1 đoạn Vũng Áng - Bùng) đang thực hiện các thủ tục có liên quan để ký kết hợp đồng, dự kiến trước ngày 5/2/2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.