Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH nêu |
Sau 2,5 ngày thảo luận trên hội trường về nội dung này, đã có hơn 90 ĐBQH phát biểu ý kiến.
Chấm dứt tình trạng “cấp trên lo thay cho cấp dưới”
ĐB Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) băn khoăn trước sức ỳ của nền hành chính, ông cho rằng, đây là “kẻ thù” của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo. “Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp lại không xử lý mà phải đợi yêu cầu từ trên xuống? Tại sao nhiều vụ việc phải đẩy lên Thủ tướng mới chuyển biến được”, ĐB đặt câu hỏi và cho rằng, nếu các cơ quan làm đúng chức năng, thẩm quyền của mình thì những vụ việc đó chắc chắn được xử lý, sự việc không phải lên đến bàn Thủ tướng và Thủ tướng không phải chỉ đạo như vụ việc quán cà phê Xin Chào.
Từ thực tế đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan. Từ đó chấm dứt tình trạng trên nóng - dưới lạnh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay cho cấp dưới. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, buộc cấp dưới phải chủ động, năng động thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng chỉ ra những nguyên nhân làm nền hành chính trì trệ, kém hiệu quả. Theo ông, muốn có nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ cương kỷ luật hành chính phải nghiêm minh. Bên cạnh phát triển kinh tế cần phải giảm chi thường xuyên, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bởi, thực tế còn nhiều cán bộ chưa thực sự tiết kiệm, từ đi lại, ăn uống, quản lý sử dụng tài sản công, tổ chức lễ hội, động thổ, khởi công khánh thành... làm người dân bất bình.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Giải trình làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH nêu về tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, mặc dù nhiều yếu tố ảnh hưởng rất bất lợi cho tăng trưởng kinh tế nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Phó Thủ tướng đồng tình với ý kiến cho rằng không chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà nâng cao chất lượng tăng trưởng. Theo đó, phải đảm bảo tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7% để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an toàn nợ công.
Bên cạnh đó, sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thu ngân sách tăng hơn, đảm bảo các mục tiêu chi và đầu tư xây dựng, từ đó góp phần từng bước giảm bội chi, đời sống người dân sẽ được cải thiện. Mặt khác, tăng trưởng cao hơn thì nước ta mới rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực, thế giới. Dẫn ra nhiều số liệu về phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng khẳng định, kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. “Đặc biệt là ngành khai khoáng giảm mạnh như vậy mà chúng ta vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng. Lần đầu tiên nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng không phụ thuộc vào khai khoáng. Điều đó nói lên chúng ta vừa tăng trưởng tích cực nhưng đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trình Quốc hội chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay (3/11), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Trước đó buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết này. Nạn lạm thu làm lệch lạc ý nghĩa tăng trưởng Đánh giá cao những thành tựu KT-XH đã đạt được trong thời gian qua, nhưng ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng bày tỏ nhiều lo lắng trước một số hiện tượng xã hội, trong đó có tình trạng lạm thu, tạo gánh nặng cho người dân. “Nhiều cháu bé sinh ra mới 6 tháng tuổi đã phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang. Nhiều học sinh, sinh viên không “vi phạm gì” nhưng trong lý lịch đã bị phê “gia đình không chấp hành chính sách pháp luật” chỉ vì bố mẹ không đóng góp khoản thu nào đó của địa phương”, ĐB Sinh nêu lên hàng loạt thực trạng và dẫn chứng vụ việc xảy ra ở Phú Yên, chỉ vì chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới mà “xe đón dâu của một gia đình đã bị trưởng thôn chặn đường truy thu tiền xây dựng nông thôn mới”. Theo ông, những câu chuyện có thể chỉ là tiểu tiết so với những thành tựu lớn lao của đất nước, nhưng rất đáng suy ngẫm, làm sao để người dân được hưởng thụ, cảm nhận trọn vẹn sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận