Y tế

Tăng tỷ lệ phát hiện polyp đường tiêu hóa nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo

20/09/2023, 16:05

Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa, tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), giúp tăng tỷ lệ phát hiện người dân mắc polyp lên tới 21%.

Ngày 20/9, Bệnh viện 19/8 tổ chức hội thảo khoa học "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa". Hội thảo cập nhật tiến bộ y học trong ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hoá, đồng thời chia sẻ các kiến thức, kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Đại tá, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết: "Ứng dụng phần mềm AI trong nội soi đường tiêu hoá giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn thiếu hụt. 

Tăng tỷ lệ phát hiện polyp đường tiêu hóa nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo   - Ảnh 1.

Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng Al trong nội soi tiêu hóa.

Phần mềm trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào nội soi tiêu hoá, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại trực tràng. Cụ thể, khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%", ông Tuyền cho biết.

Còn theo BS. Nguyễn Việt Dũng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8, với thực tế hiện nay, các bác sĩ tiêu hóa tại Việt Nam phải chịu đựng áp lực guồng làm việc rất lớn khi thực hiện hàng chục ca nội soi tiêu hóa mỗi ngày. Sự hỗ trợ của AI giống như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sĩ có bỏ sót tổn thương không.

"AI giúp chúng tôi giảm tỷ lệ bỏ sót polyp đại trực tràng. Trong xu thế phát triển, AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp đỡ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương. Trong lĩnh vực tiêu hóa, tầm soát polyp đại trực tràng, AI giống như con mắt thứ 3 hỗ trợ bác sĩ", BS Dũng cho hay.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát hiện polyp đại tràng tại bệnh viện, BS Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Nội tiêu hóa cho biết, tỷ lệ phát hiện polyp tại khoa chiếm 21%. Trung bình mỗi ngày, tại khoa thực hiện 80-120 ca nội soi tiêu hóa. Khoảng 60 bệnh nhân nằm điều trị nội trú mỗi ngày. Mỗi tháng, bệnh viện thực hiện 200 ca phải cắt polyp đại trực tràng.

"Trong quá trình nội soi, với tổn thương dưới 20ml không ác tính xâm nhập, các bác sĩ sẽ xử lý cắt polyp tại lúc nội soi. Đối với tổn thương có kích thước lớn hơn sẽ cân nhắc có cắt bỏ hơn vì các bác sĩ sẽ phải nhuộm màu, sinh thiết polyp xem có xâm lấn hay không để đưa ra quyết định xử lý tổn thương", BS Dũng thông tin.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.