Bệnh nhân nằm ghép tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: K.Linh |
Bệnh nhân nghèo kêu trời!
Anh Hùng (Thanh Hóa) suy thận từ khi mới 16 tuổi, anh trở thành bệnh nhân quen thuộc với Khoa Chạy thận, Bệnh viện Bạch Mai ngót 20 năm.
Theo anh Hùng, mặc dù có thẻ BHYT, mỗi tháng anh vẫn phải chi trả gần 2,5 triệu cho việc chữa bệnh, bao gồm 1,8 triệu đồng để sử dụng máy siêu lọc, 400.000 đồng chi trả bảo hiểm (5% thẻ BHYT), còn lại là tiền mua thuốc hỗ trợ về tim và huyết áp. “Với những bệnh nhân mắc bệnh thận, bệnh tật theo đến hết đời dù có thẻ BHYT thì chi phí điều trị phát sinh vẫn rất lớn, nên mỗi lần viện phí tăng là cơ hội sống lại bớt đi”, anh Hùng tâm sự.
Nhưng lo hơn anh Hùng là những bệnh nhân nghèo không thẻ BHYT. Chị Hường (Hà Tĩnh) có chồng vừa dứt đợt điều trị suy thận tại Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chị vừa thanh toán viện phí 9 ngày nằm viện cho chồng hết 10,5 triệu, chồng chị không có thẻ BHYT.
Chị Hường tính sẽ về mua BHYT tự nguyện cho chồng, mức mua chỉ hơn 600.000 đồng/năm nhưng trước đây, do nhà nghèo nên chị cũng không để ý. “Nay người thân ốm mới biết có BHYT giá trị thế nào”, chị Hường than thở.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ BHYT ở mức 70% dân số. Khu vực doanh nghiệp mới có 53% số người lao động tham gia BHYT, vẫn còn nhiều đơn vị trốn đóng BHYT. Người thuộc hộ cận nghèo, dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng nhưng cũng chỉ có gần 20% số người tham gia BHYT. Vì vậy, gần 30% dân số chưa có BHYT sẽ thêm gánh nặng khi giá dịch vụ y tế tăng cao.
Viện phí tiếp tục tăng
Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương tăng giá 1.348 dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Theo đó, giá bệnh viện hạng 1 (tuyến T.Ư) tăng từ 80% lên 100%; bệnh viện hạng 2 (tuyến tỉnh) tăng từ 75% lên 95%; bệnh viện hạng 3 gồm phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; trạm y tế từ 65% lên 85%. Đây là các dịch vụ y tế chưa được tăng trong lần điều chỉnh viện phí áp dụng lần đầu cách đây gần một năm.
Hiện nay, viện phí mới tính ba yếu tố, trong thời gian tới, lộ trình viện phí cũng đang tiếp tục được xây dựng để đến cuối năm 2018 sẽ thực hiện tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá y tế”. Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) |
Tại lần điều chỉnh giá viện phí được áp dụng từ ngày 1/8/2013, Hà Nội đã tăng giá hơn 800 dịch vụ y tế và giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập. Nhưng thực tế cho thấy, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập ở Hà Nội hầu như không chuyển biến.
Tình trạng quá tải phải xếp hàng cả buổi để chờ khám, bệnh nhân phải nằm ghép giường... vẫn diễn ra ở hầu khắp các bệnh viện của Hà Nội như: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Đống Đa... Do đó, điều khiến người bệnh băn khoăn là liệu lần tăng giá mới này, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?
Về vấn đề này, bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt tăng giá viện phí tháng 8/2013 tại các bệnh viện công lập Hà Nội, có tới 1.364 dịch vụ vẫn được tính bình quân bằng 65 - 80% của giá do liên Bộ Tài chính - Y tế xây dựng, còn lại 20-25% bệnh viện không biết tính như thế nào.
Vì thế, đã xảy ra nghịch cảnh viện phí tăng, doanh thu của bệnh viện lại giảm, nếu bệnh viện thu thêm của bệnh nhân sẽ sai quy định, nhưng không thu thì bệnh viện sẽ lỗ nặng. Và nếu cứ áp dụng thu viện phí theo mức giá cũ thì bệnh viện không có nguồn kinh phí để tái đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ người dân khám chữa bệnh… Như vậy, thì có thể hiểu việc tăng viện phí lần này có mục tiêu chính là để cân bằng và “chống lỗ”, chứ chưa hẳn giá viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh đã tăng.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận