Vận tải

Tạo đà “thúc” vận tải thủy phát triển

09/08/2016, 10:23

Vận tải đường thủy không thể chỉ dựa vào điều kiện sông, kênh tự nhiên để tự phát triển mà cần có chính sách...

3

Vận tải thủy đang cần thêm cơ chế và chính sách ưu đãi để phát triển

Các ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho thấy, vận tải đường thủy không thể chỉ dựa vào điều kiện sông, kênh tự nhiên để tự phát triển mà cần có chính sách phát triển ổn định, mang tính bền vững.

Hội thảo quốc tế “Đường thủy nội địa VN - Hội nhập và phát triển” do Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa VN tổ chức sáng qua (8/8) tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Đường thủy (11/8/1956-11/8/2016) thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia trong nước và chuyên gia đến từ Bỉ, Canada.

Chủ đề chính được đặt ra là cần giải pháp nào để thúc đẩy nhanh sự phát triển vận tải thủy, hội nhập với quốc tế? Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Việt Nam là 1 trong 10 nước có mạng lưới sông lớn nhất thế giới, có tiềm năng lớn phát triển giao thông nhưng đến nay đường thuỷ mới chiếm 18% thị phần vận tải hàng hóa toàn ngành. “Mục tiêu của đường thủy đạt tỷ trọng 20 - 30% (về tấn) hàng hóa, 7 - 10% về hành khách của toàn ngành GTVT. Tập trung tăng tỷ trọng hàng hóa vận chuyển đường dài, vận chuyển Bắc - Nam, vận chuyển hàng container, hàng siêu trường, siêu trọng, hàng liên vận quốc tế”, ông Giang nói và cho biết thêm, đường thủy đang đứng trước cơ hội phát triển.

Từ kinh nghiệm phát triển vận tải thủy của Bỉ và châu Âu, ông Olivier Vandersnickt - đại diện Bộ Giao thông công chính Chính phủ vùng Flanders (Bỉ) nói: “Đường thủy là phương thức giao thông bền vững nhưng không dễ phát triển vì cần chi phí đầu tư lớn. Việt Nam đang phát triển nhanh và điều quan trọng là phải chọn được chính sách phát triển đường thủy. Cụ thể, Việt Nam cần quan tâm để có các nguồn vốn tài chính đầu tư từ quốc tế như EU, Ngân hàng Thế giới…”.

Còn ông Sỹ Văn Khánh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, đường thủy luôn là “mảnh đất” màu mỡ nhưng vốn đầu tư quá ít, chưa bao giờ tới 3% tỷ trọng vốn đầu tư toàn ngành. “Các dự án đầu tư luồng tuyến đường thủy đã làm hoặc làm nữa, nếu không có kinh phí duy tu, bảo trì thì hiệu quả lại về bằng 0”, ông Khánh nói và nhấn mạnh thêm: Cơ chế, chính sách đường thủy trước hết phải ổn định và có tính pháp lý cao để tạo sự phát triển.

“Hầu hết quy hoạch đường thủy từ trước đến nay chỉ do cấp Bộ ban hành, cần thiết phải có những văn bản do Thủ tướng, thậm chí Quốc hội ban hành để nâng tính pháp lý và hiệu lực hơn trong triển khai”, ông Khánh đề xuất.

Trong khi đó, nguyên Phó cục trưởng Lê Hữu Khang cho rằng, đường thủy đang thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể và điểm yếu cố hữu là tốc độ vận tải chậm khiến phương thức vận tải “door to door” (từ cửa đến cửa) bị hạn chế. “Trái cây được vận chuyển bằng xe ô tô từ miền Nam đến cửa khẩu biên giới phía Bắc. Tại sao đường thủy không có tàu chuyên dụng để chở? Điều này phụ thuộc vào cơ chế chính sách. Nếu không có giải pháp cụ thể sẽ không thể nào cạnh tranh được với đường bộ”, ông Khang nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.