Sơ đồ mạng đường sắt xuyên Á |
Hội thảo Tạo điều kiện thuận lợi và định giá các dịch vụ đường sắt dọc theo Mạng đường sắt xuyên Á vừa được Ủy ban kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) và Hiệp hội Đường sắt quốc tế (UIC) đồng tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Tới dự Phiên họp có gần 50 đại biểu đại diện cho các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Tổng công ty Đường sắt VN và các tổ chức quốc tế như: UNESCAP, UIC, OTIF (Tổ chức liên chính phủ về vận tải liên vận quốc tế đường sắt), AITD (Viện phát triển giao thông châu Á), CCTT (Ủy ban điều phối vận tải liên Sibêri), ACCC (Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Úc)... Hội thảo nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển đường sắt, hiện thực hóa tầm nhìn vận tải liên vận đa phương thức đồng bộ và hệ thống logistics cho khu vực.
Tại hội thảo đã giới thiệu mô hình tính toán “Chi phí đoàn tàu” từ điểm tới điểm với các nội dung như: quan hệ giữa chi phí và giá đường sắt, chuẩn bị kế hoạch kinh doanh và marketing đường sắt, thẩm định đầu tư vốn, mục đích, ứng dụng và các cấu phần của mô hình tín toán chi phí.
UNESCAP xây dựng mô hình tính toán “Chi phí đoàn tàu” từ điểm tới điểm nhằm cung cấp một công cụ dễ áp dụng, dễ cập nhật để các đường sắt có thể tính toán đủ các chi phí liên quan đến vận hành một đoàn tàu từ ga đến ga. Chi phí đoàn tàu là thông tin đầu vào quan trọng để Ban lãnh đạo đường sắt xây dựng kế hoạch kinh doanh, đánh giá các khoản đầu tư hiệu quả, các chỉ tiêu cần điều chỉnh nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Các đại biểu cho rằng, cần thực hiện một dự án toàn cầu của UIC về chi phí đường sắt nhằm xác định giải pháp tốt nhất và chiến lược chi phí tối ưu phù hợp với thực tiễn của từng đường sắt. Các đại biểu đã thảo thuận về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải ĐS dọc tuyến đường sắt xuyên Á. Trong đó tập trung vào các vấn đề quản lý hành chính, thủ tục qua biên giới và hải quan; Vấn đề kết cấu hạ tầng trong khu vực châu Á, thách thức trong việc khai thác mạng đường sắt xuyên Á; Xây dựng khung thể chế các tiêu chuẩn kỹ thuật và vận hành tối thiểu cần có trong vận tải liên vận đường sắt quốc tế; Hiện trạng và các vấn đề chính trong kết nối đường sắt khu vực ASEAN…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận