Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn |
Khắc phục tình trạng vốn “mỏng” của doanh nghiệp
Phó Thủ tướng gợi mở 3 vấn đề đang được Chính phủ quan tâm, đó là phát triển DN và củng cố môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, áp dụng quản trị hiện đại, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN; Cùng với đó, là tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nhất là trong vấn đề thể chế để hoàn thiện và phát triển các loại thị trường gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản, thị trường vốn và tài chính.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ coi việc ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động và quy mô kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn. “Chính phủ luôn tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho mọi thành phần kinh tế, phấn đấu cắt giảm khoảng 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhưng hiện nay mới có khoảng 20% thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm”, Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến vấn đề thị trường vốn và tài chính, Phó Thủ tướng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2016, có đến 53% DN đang hoạt động không có lợi nhuận, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi “vì sao DN Việt Nam hoạt động kinh doanh thiếu khả quan như vậy, phải chăng do vốn mỏng?”. Theo Phó Thủ tướng, nhiều DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng nên chi phí tài chính rất cao, cộng thêm các chi phí khác khiến DN kinh doanh chưa tốt. Vì thế, Phó Thủ tướng “đặt hàng” các chuyên gia, nhà quản lý và DN đề xuất các giải pháp tới đây để khắc phục tình trạng vốn “mỏng” theo thông lệ quốc tế.
Thêm thị trường vốn vay
Thảo luận tại diễn đàn, ông Don Lam, Phó trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, một trong những vấn đề thị trường vốn cần lưu tâm là huy động vốn nội địa, sử dụng hiệu quả cho những dự án đầu tư. Để làm được điều này, cần sự nỗ lực của các DN và Nhà nước, làm sao để sử dụng vốn dài hạn.
Cho rằng, vấn đề Việt Nam gặp phải là sự thiếu vốn dài hạn, theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC), Quỹ hỗ trợ vốn dài hạn là một trong những giải pháp để các ngân hàng giải quyết tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn. Đó là những khoản vay thế chấp dài hạn, trong thời gian 30-40 năm.
Tổng kết diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng, giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ và một trong những điều kiện quan trọng để giải quyết vấn đề này là áp dụng các công cụ, gỡ được áp lực về mặt tỷ giá, lãi suất biến động. Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm hưu trí tự nguyện, thị trường chứng khoán phải phát triển cả ở thị trường cơ sở, Chính phủ cần có biện pháp phát triển thị trường này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận